Hội nghị được thực hiện với sự tham gia của hơn 300 đại biểu ở điểm cầu chính Bắc Giang, 2.200 đại biểu tại 61 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng 4 điểm cầu tại Trung Quốc (Côn Minh, Hà Khẩu, Nam Ninh và Bằng Tường), hàng nghìn người quan tâm theo dõi qua truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang, tường thuật trực tiếp trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện của các cơ quan tỉnh Bắc Giang và Bộ Công Thương.
Cùng ngày diễn ra Hội nghị, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Bắc Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ cắt băng xuất hành những xe vải đầu tiên đi tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao việc tỉnh Bắc Giang đã phối hợp tích cực, hiệu quả với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị. “Có thể nói, Bắc Giang là địa phương tiên phong của Việt Nam đã rất năng động tổ chức Hội nghị quốc tế quy mô lớn này với sự tư vấn kỹ thuật của Bộ Công Thương theo phương thức tiếp cận mới (vừa trực tiếp vừa trực tuyến), ứng phó nhanh trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và phù hợp với xu thế thời đại 4.0”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường nông sản trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực cùng các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường.
Trong số các giải pháp này, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, chủ động đưa nông sản Việt Nam vào đa dạng hệ thống phân phối nội địa và quốc tế, gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của Bộ Công Thương để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Ngay từ đầu năm nay, trên cơ sở phân tích những tác động từ dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đã sớm phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang (Sở Công Thương) bàn bạc, xây dựng các phương án, kịch bản tiêu thụ quả vải năm 2020. Năm nay, các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ quả vải tại thị trường trong nước được đặc biệt chú trọng để Bắc Giang có thể chủ động ứng phó với kịch bản thị trường xấu nhất.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức kết nối giao thương trực tuyến như kết nối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, quảng bá trực tuyến tới các đầu mối mua hàng tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cụ thể, trong chuỗi các sự kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều vừa qua, Bộ Công Thương đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang tham gia thành công Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam – Singapore vào ngày 29/5/2020, bao gồm phiên quảng bá, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang sang Singapore. Vải thiều Bắc Giang đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao về chất lượng của nhiều đầu mối nhập khẩu trái cây tại Singapore tham gia sự kiện.
Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải, nâng tầm giá trị quả vải của thiều Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện phổ biến tuyền truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về chất lượng, lợi ích, công dụng trong việc sử dụng quả vải nhằm kích cầu tiêu dùng của nhân dân đồng thời tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đồng thời, nhằm đem quả vải Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường quan trọng và mới nổi như Trung Quốc, Singapore, Australia, Nhật Bản… tích cực quảng bá hình ảnh và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều.
Trong bài phát biểu chiêu thương tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn cho biết, hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước đăng ký thu mua và xuất khẩu vải thiều của Bắc Giang với các thủ tục giao thương diễn ra thuận lợi. Sau hội nghị này, Bắc Giang kỳ vọng được đón tiếp nhiều hơn nữa các doanh nghiệp và thương nhân trong nước và nước ngoài đến tham quan, khảo sát, sớm ký kết hợp đồng chính thức với các hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh để ổn định trong thu mua, tiêu thụ vải thiều. Tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều".
Các nhà nhập khẩu vải thiều tại điểm cầu Trung Quốc tham dự Hội nghị trực tuyến
Theo ông Lăng Tinh Cương, đại điện doanh nghiệp tại Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc), vải Bắc Giang được tiêu thụ rất tốt trên các thị trường của các thành phố lớn tại Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến. Hiện nay thương hiệu vải Bắc Giang đã vô cùng nổi tiếng trên đất Trung Quốc. Vải Bắc Giang rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng bởi quả to, cùi dày, hạt nhỏ.
Nhân dịp này, Bắc Giang khai trương sàn giao dịch trực tuyến “Vải thiều Bắc Giang”
Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khai trương sàn giao dịch trực tuyến vải thiều Bắc Giang
Cục Xúc tiến thương mại
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương