menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Tài chính “phản pháo” ý kiến bỏ lợi nhuận định mức xăng dầu

09:05 29/08/2015

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Vinanet - Lợi nhuận định mức 300 đồng/lít trong cơ cấu giá xăng dầu giúp doanh nghiệp duy trì hệ thống, ổn định kinh doanh và tạo lập thị trường. Nếu so sánh với các ngành kinh doanh khác thì việc quy định về lợi nhuận định mức như vậy không phải là lớn, 

Trước nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu, lợi nhuận định mức; trong khi chi phí kinh doanh xăng dầu định mức quá cao, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã lên tiếng về vấn đề này.

Hiện nay, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể có ý kiến cho rằng không nên níu kéo hay có cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu? Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Ở nước ta, trong điều kiện chuyển điều hành giá sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, những biện pháp như trợ giá bán xăng dầu; trợ cấp sẽ không còn phù hợp và vi phạm cam kết khi gia nhập WTO. Trong bối cảnh đó, để có những biện pháp tài chính, tiền tệ khi cần thiết nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước khi thị trường có những biến động bất thường thì Quỹ Bình ổn giá là một giải pháp cần thiết và phù hợp. Thực tế đó đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát, không làm đảo lộn sản xuất kinh doanh nói riêng và không gây ra những bất ổn về kinh tế xã hội.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục QL Giá (Bộ Tài chính)
Hiện nay cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được quy định chi tiết trong Nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, các thương nhân đầu mối trích lập Quỹ Bình ổn giá và chỉ sử dụng Quỹ Bình ổn giá cho mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu theo quy định của pháp luật...

Cũng theo quy định thì: "Quỹ Bình ổn giá được trích lập thường xuyên, liên tục bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng, dầu diezen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madut thực tế tiêu thụ...". Đồng thời: “Nghiêm cấm sử dụng Quỹ Bình ổn giá để cấp vốn kinh doanh hoặc cho các mục đích khác...”.

Như vậy, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. 

Việc hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết vì thông qua việc điều hành sử dụng Quỹ - công cụ tài chính góp phần quan trọng bình ổn giá xăng dầu trong nước, qua đó góp phần bình ổn mặt bằng giá cả nói chung. Có thể thấy rằng, việc hình thành Quỹ Bình ổn giá đã đem những lợi ích nhất định không chỉ đối với người tiêu dùng mà cả thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối và nền kinh tế - xã hội:

Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa phù hợp? Trong đó có quan điểm cho rằng: nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục đà giảm thì không nên trích Quỹ Bình ổn giá - trích Quỹ như vậy là sai. Cũng có quan điểm cho rằng tồn tại của Quỹ Bình ổn giá là tồn tại mâu thuẫn lợi ích... Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ. Không phải lúc nào thương nhân đầu mối cũng được sử dụng Quỹ Bình ổn giá; chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở kỳ công bố tăng cao hơn giá cơ sở kỳ liền kề trước đó hoặc khi Chính phủ thực hiện kiềm chế tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước.

 

Như vậy, nếu trong trường hợp trước đó, bối cảnh giá xăng dầu thấp mà ta không gây Quỹ BOG sẽ không thể có nguồn để sử dụng khi giá xăng dầu thế giới tăng trở lại. Đặc biệt việc điều hành giá xăng dầu trong nước được đặt trong bối cảnh phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới mà giá xăng dầu thế giới thường xuyên biến động bất thường, tăng giảm khó lường và không thể dự báo xu hướng.

Có ý kiến cho rằng điều hành Quỹ Bình ổn giá thời gian qua thiếu minh bạch?

Theo các quy định hiện nay thì các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối phải chấp hành đúng các quy định của Liên Bộ về việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG; Thương nhân không được phép tự động trích, tự động sử dụng tiền từ Quỹ BOG.

Như vậy việc quản lý và sử dụng Quỹ BOG được hạch toán và theo dõi riêng bằng một tài khoản tiền gửi tại một ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Định kỳ hàng tháng hoặc trong những trường hợp yêu cầu báo cáo đột xuất các thương nhân đầu mối phải báo cáo kết quả trích lập, sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ BOG về Liên Bộ.

Có thể nói thời gian qua các doanh nghiệp đã thực hiện việc kết chuyển Quỹ BOG vào tài khoản ngân hàng, ngân hàng đã trả lãi phát sinh trên số dư tài khoản Quỹ BOG dương và Liên Bộ đã thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh; tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG xăng dầu tại các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối. 

Đồng thời phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Quỹ BOG tại các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối. 

Về công khai, minh bạch trong quản lý Quỹ BOG: Trong quá trình điều hành giá xăng dầu, khi thay đổi mức trích, mức sử dụng Quỹ BOG, Liên Bộ đều có thông cáo báo chí gửi các cơ quan thông tấn báo chí.

Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định chi phí kinh doanh xăng dầu định mức như hiện nay (1.050 đồng/lít với xăng; 950 đồng/lít với dầu điêzen, dầu hỏa; 600 đồng/kg với dầu madut) và quy định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít,kg là ”ưu ái” cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu?

Theo quy định hiện hành, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức, lợi nhuận định mức để tính giá cơ sở. Trong đó, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức quy định nói trên có thể trùng, có thể cao hơn và cũng có thể thấp hơn chi phí thực tế tại từng thời điểm của từng doanh nghiệp. 

Việc quy định định mức như vậy sẽ có tác dụng tích cực tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì sẽ khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn bạn hàng, thời cơ giá nhập tốt, tổ chức mạng lưới kinh doanh hợp lý để có giá vốn thực tế thấp hơn giá cơ sở thì sẽ có lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận định mức quy định 300 đồng/lít,kg được tính trong giá xăng, dầu. 

Ngược lại nó sẽ tạo ra sức ép đối với các doanh nghiệp tổ chức mạng lưới kinh doanh chưa hợp lý... có chi phí kinh doanh cao hơn chi phí kinh doanh định mức thì có thể có lợi nhuận sẽ ít thậm chí không có lợi nhuận phải tích cực tổ chức lại hoạt động kinh doanh để mang lại hiệu quả.

Quy định mức chi phí kinh doanh như hiện nay đã được Liên Bộ căn cứ trên các kết quả tính toán đối với tất cả các doanh nghiệp đã thu thập được. Liên Bộ không dựa trên số liệu của một doanh nghiệp riêng lẻ nào, mọi số liệu thu thập đều được rà soát đồng thời có yếu tố chi phí yêu cầu doanh nghiệp phải tiết giảm so với thực tế phát sinh. 

Theo quy định, hàng năm, thương nhân đầu mối có trách nhiệm kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh và rà soát, tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối, Liên Bộ sẽ tổng hợp, đánh giá, kiểm tra, khảo sát thực tế (nếu cần thiết) để có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phát sinh tại các doanh nghiệp.

Về quy định lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở (300 đồng/lít,kg) - đây là mức lợi nhuận giúp doanh nghiệp duy trì hệ thống, ổn định kinh doanh và tạo lập thị trường. Nếu so sánh với các ngành kinh doanh khác thì việc quy định về lợi nhuận định mức như vậy không phải là lớn, cụ thể: nếu so sánh 300 đồng/lít,kg tính trên giá bán xăng dầu hiện nay (18.530 đồng/lít xăng RON 92) thì tỷ suất lợi nhuận đạt 1,62%. 

Trong thời điểm giá xăng dầu cao (ngày 19/6/2015 giá xăng RON 92 là 20.710 đồng/lít) thì tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 1,45% - Tỷ suất này thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi ngân hàng tại các thời điểm tương ứng. Tuy nhiên, không phải bất cứ thời điểm nào doanh nghiệp cũng được lợi nhuận 300 đồng/lít,kg, thực tế có những thời điểm Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp chia sẻ với người tiêu dùng, không tính hoặc không tính đầy đủ 300 đồng/lít,kg.

Kiều Linh ghi