menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ trưởng BCT Trần Tuấn Anh hội đàm song phương với Bộ trưởng Thương mại Ê-ti-ô-pi-a

10:04 27/08/2018

Vinanet - Nhân chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang thăm chính thức Ê-ti-ô-pi-a, chiều ngày 24/8/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với ông Melaku Alebl, Bộ trưởng Thương mại Ê-ti-ô-pi-a.

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương Việt Nam có đại diện Lãnh đạo Cục Phòng vệ Thương mại, Cục Xuất Nhập khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ sự vui mừng khi tới thăm đất nước Ê-ti-ô-pi-a và được gặp Ngài Bộ trưởng Thương mại Ê-ti-ô-pi-a để bàn phương hướng thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp. Bộ trưởng cho biết tại các cuộc gặp cấp cao giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các nhà lãnh đạo của Ê-ti-ô-pi-a, hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp được xác định là trọng tâm và là động lực thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và Ê-ti-ô-pi-a, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng mức kim ngạch thương mại song phương ở mức 12 triệu USD hiện tại là quá nhỏ bé, chưa phản ánh đúng tiềm năng và thế mạnh kinh tế của hai quốc gia, chưa khai thác được tính bổ sung của hai nền kinh tế. Với thế mạnh là quốc gia đông dân với trên 100 triệu người, nguồn lao động trẻ, dồi dào, được đào tạo và có tay nghề, chi phí nhân công thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất châu lục trong thập kỷ vừa qua, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển, Ê-ti-ô-pi-a là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trong các lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, chăn nuôi, trồng trọt, thuộc da, dệt may, da giày, năng lượng, dầu khí và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, xét trên nhu cầu thị trường và thế mạnh sản xuất của mỗi nước, Việt Nam có thể xuất khẩu sang Ê-ti-ô-pi-a các sản phẩm như máy móc nông nghiệp, phương tiện vận tải, phân bón, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, hàng điện tử - điện lạnh, máy vi tính, điện thoại di động, máy móc thiết bị, sản phẩm viễn thông. Về nhập khẩu, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ Ê-ti-ô-pi-a các mặt hàng nguyên liệu thức ăn gia súc, nguyên liệu cho ngành dệt may, da giày và thậm chí các sản phẩm nông sản như cà phê để phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Về phía Ê-ti-ô-pi-a, Bộ trưởng Melaku Alebel cho biết kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam 42 năm trước, hai bên đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quan hệ song phương. Hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng, từ lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc cho đến công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn ngày nay. Ê-ti-ô-pi-a được biết đến là trong trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, là nguồn cội của cây cà phê, là quốc gia đóng góp trong lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc tại khu vực Sừng châu Phi cũng như có vai trò quan trọng trong các vấn đề khu vực, đồng thời còn là thủ đô có nhiều trụ sở của các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Melaku Alebel hoàn toàn nhất trí với các đánh giá của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về khả năng hợp tác trong từng lĩnh vực cụ thể. Về nông nghiệp, hiện Ê-ti-ô-pi-a chú trọng phát triển nông nghiệp để phục vụ nhu cầu của thị trường dân đông trên 100 triệu người, có nhu cầu hợp tác và mong được Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu, đặc biệt là đối với cà phê. Về năng lượng, Bộ trưởng Ê-ti-ô-pi-a cho biết hiện nước này chú trọng phát triển điện năng với hàng loạt dự án điện với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu điện năng sang các nước ở châu Phi cũng như khu vực Trung Đông. Về viễn thông, các tập đoàn viễn thông Việt Nam có thể tham gia dưới hình thức mua lại cổ phần trong quá trình tư nhân hóa và mở cửa hiện đang được chú trọng đẩy mạnh. Về dầu khí, đây là lĩnh vực mới tại Ê-ti-ô-pi-a với việc phát hiện thêm mỏ khí đốt và dầu mỏ tại nước này, Việt Nam có thể cân nhắc thúc đẩy hợp tác vì đây là lĩnh vực mới, Ê-ti-ô-pi-a cần công nghệ và kinh nghiệm.

Nhằm tạo khung pháp lý cũng như các nguyên tắc căn bản cho hợp tác thương mại, công nghiệp song phương trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề nghị hai bên xem xét ký Bản ghi nhớ trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Ê-ti-ô-pi-a, đồng thời mời Bộ trưởng Thương mại Ê-ti-ô-pi-a sang Việt Nam cùng đoàn doanh nghiệp để ký Bản ghi nhớ cũng như để đánh giá xác thực hơn các lĩnh vực và hoạt động hợp tác song phương. Bộ trưởng cũng đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tăng cường trao đổi thông tin về nhu cầu và thị hiếu của thị trường, chính sách và tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại. Cụ thể hơn, Bộ trưởng đề nghị Ê-ti-ô-pi-a tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng các dự án thủy điện, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tham gia cung cấp dịch vụ dầu khí và sản phẩm cho các dự án khai thác dầu khí tại Ê-ti-ô-pi-a, Tập đoàn Viettel cung cấp dịch vụ và sản phẩm viễn thông tại thị trường Ê-ti-ô-pi-a.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về hội nhập quốc tế và đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam nhân dịp chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Thương mại Ê-ti-ô-pi-a. Bộ trưởng Ê-ti-ô-pi-a đã vui vẻ nhận lời và hứa sẽ sớm thu xếp sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Kết thúc cuộc gặp, hai Bộ trưởng đều bày tỏ sự tin tưởng rằng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và Ê-ti-ô-pi-a sẽ có những bước phát triển mới trong thời gian tới, phù hợp với mong muốn của Chính phủ và nhân dân hai nước./.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương