Sau 5 ngày đàm phán cấp cao kéo dài, các bộ trưởng từ 12 nước đã chính thức hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tối nay 5/10. Ngay sau đàm phán, Bộ trưởng các nước thành viên đã có một cuộc họp báo về kết quả đàm phán.
Mở đầu cuộc họp báo, Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman đã đưa ra tuyên bố chung của các bộ trưởng TPP. “Chúng tôi, bộ trưởng thương mại của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam vui mừng thông báo chúng tôi đã kết thúc thành công đàm phán TPP. Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thúc đẩy đổi mới ở khắp châu Á – Thái Bình Dương. Quan trọng nhất, thỏa thuận đạt được mục tiêu mà chúng tôi đã đề ra đó là một thỏa thuận đầy tham vọng, toàn diện, chuẩn mực cao và sẽ có lợi cho người dân các nước thành viên.
…. Không chỉ tự do hóa đầu tư và thương mại giữa các nước thành viên, thỏa thuận còn giúp giải quyết các thách thức mà các đối tác phải đối mặt trong thế kỷ 21. Chúng tôi hy vọng, thỏa thuận mang tính chất lịch sử này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ việc làm, thúc đẩy đổi mới, cải thiện năng suất lao động, nâng cao tính cạnh tranh và mức sống, giảm đói nghèo, tăng cường minh bạch, bảo vệ môi trường …”
Ông Froman cũng cho biết thêm, để chính thức hóa kết quả thỏa thuận, các nhà đàm phán sẽ tiếp tục công đoạn kỹ thuật hoàn tất văn bản nội dung đàm phán hoàn chỉnh để công bố, trong đó bao gồm đánh giá về mặt pháp lý, dịch thuật, dự thảo và xác minh nội dung.
Cũng tại cuộc họp báo, các bộ trưởng đều đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau quá trình đàm phán kéo dài và cho rằng TPP sẽ tác động tích cực đến kinh tế các nước thành viên.
Trà lời câu hỏi của Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman liên quan đến việc đánh giá tác động của TPP đến kinh tế Việt Nam nói chung, ngành dệt may nói riêng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Kinh tế Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của ngành dệt may. Do đó, khi tham gia TPP nghĩa là ngành dệt may của Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn và mang lại lợi ích cho người nghèo vì ngành dệt may ở Việt Nam cần đến hàng triệu lao động. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các nước TPP đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may của Việt Nam."
Minh Phương - Minh Quân