Ngoài việc tham gia các hoạt động chính của đoàn chính thức tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có các buổi làm việc song phương, cụ thể là: làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Belarus, chủ trì phiên họp của Ủy ban hỗn hợp về thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu và chủ trì các phiên thảo luận chuyên đề tại hai buổi tọa đàm kinh tế tại Belarus và Liên bang Nga.
Buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Belarus
Ngày 27 tháng 6 năm 2017, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Belarus A.G. Lukashenko, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Belarus V.M. Vovk đã ký Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Belarus về việc hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định thư sửa đổi).
Trước đó, ngày 26 tháng 6 năm 2017 Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Belarus V.M. Vovk đã có buổi làm việc song phương tại trụ sở Bộ Công nghiệp Belarus. Về phía Việt Nam, tham gia buổi làm việc có các lãnh đạo các đơn vị của Bộ Công Thương và đại diện của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Về phía Belarus, tham gia buổi làm việc có các Lãnh đạo Bộ và các chuyên gia của Bộ Công nghiệp Belarus, đại diện của Công ty Nhà máy sản xuất ô tô Minsk (MAZ), Công ty CP Nhà máy kéo Minsk (MTW) và Nhà máy sản xuất ô tô Belarus (BelAZ).
Tại buổi làm việc này, hai Bộ trưởng đã đánh giá về tình hình hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp. Sau gần 7 tháng kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA) có hiệu lực từ ngày 05 tháng 10 năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Belarus, sau 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Belarus cũng như kim ngạch nhập khẩu từ Belarus đều có mức tăng trưởng vượt 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về công nghiệp, hai Bên cho rằng trong thời gian quan hệ hợp tác giữa hai nước đã đạt được các bước tiến tích cực, tuy nhiên quy mô hợp tác vẫn chưa tương xứng với quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa Việt Nam và Belarus. Cụ thể, hai Bên đã rà soát tình hình triển khai hợp tác giữa Công ty MAZ và Tổng công ty VEAM, Công ty Âu Việt Machinery; Tập đoàn TKV và Công ty BelAZ; Công ty MTW và Công ty Mekong Machinery; Tập đoàn Cao su Việt Nam và Tập đoàn Belshina. Phía Việt Nam sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Belarus trên cơ sở các nguyên tắc kinh tế thị trường và hai Bên cùng có lợi. Phía Việt Nam thể hiện mong muốn mở rộng, làm sâu quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo máy, sản xuất động cơ và phương tiện vận tải (ô tô, xe tải, máy kéo, máy xúc, các loại máy phục vụ nông nghiệp,…) theo hình thức đầu tư sản xuất và chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam có thể trở thành “bàn đạp” để các doanh nghiệp Belarus thâm nhập thị trường ASEAN với tổng dân số trên 625 triệu người.
Hai Bộ trưởng cũng đã lắng nghe báo cáo của đại diện Tập đoàn TKV và Tổng công ty VEAM cũng như các đối tác của Belarus. Đại diện các doanh nghiệp đã tóm tắt về tình hình triển khai các dự án hợp tác và nêu các thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai các dự án này. Hai Bộ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp sớm hoàn thành các hợp đồng đã ký kết và nghiên cứu khả năng triển khai các dự án mới. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cam kết sẽ giới thiệu các thể loại xe, máy móc và công nghệ tiên tiến nhất của Belarus cho các đối tác Việt Nam cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp Belarus thay đổi thiết kế để phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam.
Kết thúc buổi làm việc, hai Bộ trưởng thống nhất sẽ thành lập tổ công tác gồm đại diện của Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Công nghiệp Belarus và các đơn vị có liên quan để rà soát tình hình triển khai VN - EAEU FTA và Nghị định thư sửa đổi, cũng như thảo luận về các phương hướng, dự án hợp tác tiềm năng cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp giữa hai nước.
Tọa đàm kinh tế Việt Nam - Belarus
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm kinh tế Việt Nam - Belarus vào chiều ngày 27 tháng 7 năm 2017. Về phía Belarus, Phòng Thương mại và Công nghiệp phối hợp với Bộ Công nghiệp và Bộ Kinh tế đã chủ trì sự kiện này. Hơn 450 doanh nghiệp của hai nước đã tham gia tọa đàm kinh tế lần này, vì vậy đây là diễn đàn doanh nghiệp song phương có quy mô lớn và đa dạng nhất từ trước đến nay.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Belarus A.G. Lukhashenko đã có các bài phát biểu khai mạc tọa đàm kinh tế Việt Nam - Belarus. Các nhà Lãnh đạo đứng đầu Nhà nước Việt Nam và Belarus đã thông báo về thực trạng của quan hệ kinh tế - thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa hai nước cũng như đưa ra các chỉ đạo hết sức thực chất và chi tiết về phương hướng mở rộng hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu, xây dựng cơ sở hạ tầng, hóa dầu, công nghệ thông tin, truyền thông, du lịch, công nghệ cao,… Ngoài ra, Lãnh đạo Nhà nước Việt Nam và Belarus đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần làm việc chủ động, thực chất và hiệu quả để sớm nâng thương mại hai chiều lên mức 500 triệu USD.
Tại phần thảo luận chuyên đề, Tọa đàm kinh tế đã lắng nghe các bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và lãnh đạo Bộ Kinh tế Belarus về tiềm năng kinh tế của Việt Nam và Belarus cũng như các cơ hội hợp tác dành cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Tại bài phát biểu chuyên đề, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cung cấp các thông tin chi tiết về tình hình hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Belarus, đặc biệt là tác động của VN - EAEU FTA và các cơ hội Hiệp định này mang lại. Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã liệt kê các phương hướng hợp tác cụ thể mà các doanh nghiệp hai Bên có thể nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới nhằm nâng cao quan hệ kinh tế - thương mại và công nghiệp lên mức tương xứng với quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai nước.
Sau phần thảo luận chuyên đề kết thúc, các doanh nghiệp đã tham gia phần kết nối doanh nghiệp trực tiếp nhằm tìm kiếm, trao đổi về các cơ hội hợp tác tiềm năng cũng như thiết lập các mối quan hệ kinh doanh.
Phiên họp của Ủy ban hỗn hợp về thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu
Ngày 29 tháng 6 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng phụ trách thương mại Ủy ban Kinh tế Á - Âu Veronika Nikishina đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp về thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Về phía Việt Nam, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã tham gia phiên họp này; về phía Liên minh Kinh tế Á-Âu (Liên minh), có sự hiện diện của Lãnh đạo các Bộ Kinh tế của các nước thành viên Liên minh cũng như các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế Á - Âu và các Bộ, ngành của các nước thành viên Liên minh.
Hai Bộ trưởng đã đánh giá các kết quả tích cực VN - EAEU FTA đã mang lại trong 7 tháng đầu tiên từ khi có hiệu lực. Theo số liệu của phía Liên minh, thương mại hai chiều đã tăng khoảng 27% so với cùng kỳ trong giai đoạn này. Điều đáng chú ý là kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng đối với không chỉ các mặt hàng đã được cắt giảm thuế quan ngay về 0% từ khi Hiệp định có hiệu lực mà cả mặt hàng đang được cắt giảm thuế quan theo lộ trình.
Hai Bên đã thống nhất phương hướng và các hoạt động hợp tác cụ thể cần được thực hiện trong thời gian tới trong các lĩnh vực: thương mại hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật,…. Hai Bên cũng thống nhất sẽ phối hợp xây dựng hệ thống chứng nhận và xác minh xuất xứ điện tử và hoàn thành trước cuối năm 2018.
Hai Bộ trưởng thống nhất sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng sớm tổ chức tham vấn trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản và tăng cường trao đổi những mặt hàng này. Ngoài ra, tại phiên họp lần này, đại diện của Nga và Kazakhstan đã nêu các quan ngại về các chính sách của Việt Nam liên quan đến amiăng trắng của Việt Nam. Trong thời gian tới, phía Việt Nam mong sẽ nhận được các tài liệu, nghiên cứu của phía Liên minh về tác động của amiăng đến sức khỏe con người để có thêm cơ sở cho quá trình xây dựng chính sách của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam.
Tọa đàm kinh tế Việt - Nga
Sáng ngày 30 tháng 6 năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức tọa đàm kinh tế Việt - Nga. Về phía Nga, Bộ Phát triển kinh tế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp đã chủ trì sự kiện này. Hơn 600 doanh nghiệp của hai nước đã tham gia tọa đàm kinh tế lần này, do đó đây là diễn đàn doanh nghiệp song phương có quy mô lớn và ấn tượng nhất từ trước đến nay.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga M.S. Oreshkin đã có các bài phát biểu khai mạc tọa đàm kinh tế Việt - Nga. Hai Bên đã thông báo về thực trạng của quan hệ kinh tế - thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa hai nước cũng như đưa ra các chỉ đạo hết sức thực chất và chi tiết về phương hướng mở rộng hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, xuất nhập khẩu, dịch vụ, dầu khí, điện lực, khai khoáng, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, dược phẩm, doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch,….Tại phần thảo luận chuyên đề, Tọa đàm kinh tế đã lắng nghe các bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và Thống đốc tỉnh Kaluga (Nga) về tiềm năng kinh tế của Việt Nam và Liên bang Nga cũng như các cơ hội hợp tác dành cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Tại bài phát biểu chuyên đề, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cung cấp các thông tin chi tiết về tình hình hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Nga, đặc biệt là tác động của VN - EAEU FTA và các cơ hội Hiệp đinh này mang lại. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ ra các phương hướng hợp tác cụ thể mà các doanh nghiệp hai Bên có thể nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới nhằm nâng cao quan hệ kinh tế - thương mại và công nghiệp lên mức tương xứng với quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai nước. Ngoài ra, đại diện một số doanh nghiệp Nga trong lĩnh vực thương mại điện tử, chế biến thực phẩm và vận tải đã chia sẻ các kinh nghiệm về hợp tác với các đối tác Việt Nam cũng như về tiềm năng hợp tác mà cần được khai thác tốt hơn trong thời gian tới.
Tại phần trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời về các giải pháp để thực thi VN - EAEU FTA và các cơ hội trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp của Nga. Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam đang đưa ra các chính sách rất ưu đãi dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là để phục vụ các lĩnh vực: dệt may, da giày, công nghiệp chế biến, điện tử, công nghiệp ô tô, cơ khí,…. Các doanh nghiệp Nga cần sớm nghiên cứu, xem xét khả năng đầu tư, hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên tham gia 12 hiệp định thương mại tự do, trong đó có VN - EAEU FTA.
Sau phần thảo luận chuyên đề kết thúc, các doanh nghiệp đã tham gia phần kết nối doanh nghiệp trực tiếp nhằm tìm kiếm, trao đổi về các cơ hội hợp tác tiềm năng cũng như thiết lập các mối quan hệ kinh doanh.
Vụ Thị trường châu Âu
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương