menu search
Đóng menu
Đóng

Cần có cái nhìn đúng về Nhà máy nhiệt điện than

09:35 14/12/2018

Vinanet - Cần có cái nhìn đúng về Nhà máy nhiệt điện than - Đây là nội dung chính của Hội thảo Bộ Công Thương phối hợp với Báo Lao động tổ chức 13/12/2018 tại Hà Nội.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW. Tuy nhiên, thực tế tới nay mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than đã được khởi công và đang triển khai xây dựng với công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng.

Trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và 2026 -2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển cần phát triển nguồn điện hài hòa nhất là trong bối cảnh các thuỷ điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, các nguồn điện khác còn hạn chế. Đơn cử như nguồn khí, hiện tổng công xuất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh/năm.

Do đó trong giai đoạn sắp tới, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hiệu chỉnh tại Quyết định 428 năm 2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) có đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 điện thương phẩm đạt 235 tỷ kWh, con số này tăng lên 506 tỷ kWh trong năm 2030. Cùng với đó, điện sản xuất và nhập khẩu là 265 tỷ kWh trong năm 2020 và 572 tỷ kWh trong 2030.

Từ năm 2016 đến nay, ngành điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện, công tác đảm bảo môi trường ngày càng tiến bộ, không xảy ra sự cố nào về môi trường do các dự án điện gây ra. Nguồn thuỷ điện lớn và vừa cơ bản đã khai thác hết. Điện năng sản xuất từ thuỷ điện năm 2030 chỉ chiếm khoảng 12,4%. Điện hạt nhân đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31 về việc đừng đầu tư thực hiện. Đối với nguồn điện nhập khẩu hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 1.000 MW từ Trung Quốc và Lào. Con số dự kiến sẽ tăng từ 3 đến 5 lần trong thời gian tới. Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ khung giá điện để làm cơ sở đàm phán mua điện nhập khẩu. Tuy nhiên tiềm năng mua cũng hạn chế và giá điện khả năng phải tương đương giá khu vực. Đối với nhiệt điện khí trong nước trữ lượng các mỏ bắt đầu suy giảm, chi phí sản xuất điện cao do giá khí cao, sơ bộ giá điện khoảng 2.700-2.800 đ/kWh. Nguồn nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu phụ thuộc vào giá thị trường thế giới. Nguồn năng lượng tái tạo thì giá điện cao, vận hành không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết và cần có nguồn dự phòng. Nguồn nhiệt điện than có giá hợp lý, có vai trò quan trọng trong việc cung ứng điện, lượng điện năng sản xuất năm 2030 của Nhiệt điện than chiếm trên 53% tổng sản lượng điện của hệ thống.

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Lực cũng cho biết, hiện nay một số nguồn nhiệt điện than trong quy hoạch không có khả năng thực hiện như Long An 1,2; Bạc Liêu 1 do không được địa phương ủng hộ. Trong trường hợp đó cần có nguồn thay thế để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống. Ông Lê Văn Lực phân tích, nếu thay 100 MW nhiệt điện than tương đương 7 tỷ kWh/ năm (giá điện 1.600 đ/kWh) bằng nhiệt điện khí LNG (giá điện 2.100 đ/kWh) sẽ tăng chi phí phát điện thêm khoảng 3.500 tỷ đồng/ năm.

Theo ông Lê Văn Lực để đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới cần thực hiện các dự án nguồn điện trong quy hoạch đã được phê duyệt đảm bảo tiến độ, có cơ chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đảm bảo cung cấp đủ than, khí để vận hành phát điện. Bổ dung quy hoạch và thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời đồng bộ với hệ thống lưới điện. Tăng cường nhập khẩu điện từ nước ngoài. Đồng thời thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện. “ Đến năm 2030 và nhiều năm tiếp theo nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện mới đảm bảo cung cấp đủ điện với giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế xã hội đất nước” ông Lê Văn Lực khẳng định.

Theo ông Nguyễn Tân Bình, Trưởng ban Khoa học công nghệ - Môi trườngTập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện nay các nhà máy nhiệt điện than của EVN đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Điều này đã được Trung tâm năng lượng than Nhật Bản (JCOAL) đánh giá cao tại Hội nghị bàn về phát triển nhiệt điện than với công nghệ hiệu suất cao, thân thiện môi trường tổ chức đầu năm 2018.

Cùng với đó, các giải pháp về môi trường luôn được áp dụng đồng bộ, tuân thủ nghiêm ngặt công tác bảo vệ môi trường, vận hành hiệu quả và giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường xung quanh. Hiện nay, các kết quả đo đạc, phân tích cho thấy phát thải của các nhà máy thường thấp hơn nhiều lần so với quy chuẩn môi trường quy định.

Tình hình tiêu thụ tro xỉ đối với các nhà máy nhiệt điện than được EVN xử lý tương đối tốt. Nhiều đối tác liên hệ với các nhà máy để tiêu thụ tro sỉ trong các lĩnh vực phụ gia bê tông, phụ gia xi măng, gạch không nung…

EVN cũng cam kết phối hợp cùng với các đối tác, đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan tới thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tro xỉ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có giải pháp tái sử dụng tro xỉ để sản xuất các sản phẩm tiếp cận nguồn nguyên liệu tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than của EVN. Hỗ trợ và ưu tiên hợp tác với các đối tác có mục tiêu đầu tư sử dụng tro xỉ dài hạn trên cơ sở cạnh tranh, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng khẳng định các giải pháp được Tập đoàn thực hiện trong công tác đảm bảo an toàn môi trường, quản lý môi trường một cách công khai, minh bạch. Đồng thời tuyên truyền phổ biến các thông tin về môi trường cho người dân khu vực xung quanh nhà máy nhiệt điện than.

Theo ông Phạm Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường – Tổng Cục Môi trường (Bộ TN-MT), nguồn thải từ nhiệt điện than gồm có khí thải lò hơi; nước thải công nghiệp, sinh hoạt và nước làm mát và chất thải rắn thông thường (bao gồm tro, xỉ), nguy hại. Hiện đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về vấn đề này và các nhà máy cơ bản đã làm rất tốt. Đặc biệt là việc thực hiện quan trắc liên tục khí thải của nhà máy và truyền số liệu về Sở TNMT để giám sát, thực hiện quan trắc liên tục (Clo dư, pH, lưu lượng) tại cửa xả để giám sát chất lượng nước làm mát.

Ông Dũng cũng đánh giá cao mô hình của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (EVN) ngoài việc tuân thủ các quy định, nhà máy còn công bố công khai thông tin, mời các cơ quan quản lý, người dân tham quan, giám sát.

Theo các chuyên gia, nhiệt điện than với công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường vẫn mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện vì diện tích chiếm đất ít, sản lượng điện lớn, ổn định, giá thành sản xuất hợp lý hơn các nguồn điện khác (giá nhiệt điện than thấp chỉ sau thủy điện). Bên cạnh đó, vấn đề môi trường đã và đang được kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi Chính phủ, các Bộ ngành cũng như các tổ chức xã hội và nhân dân nơi có dự án.

Tham luận tại Hội thảo, đại diện Công ty Kepco - Hàn Quốc cho biết, tại Hàn Quốc, nhiệt điện than vẫn giữ vai trò cơ bản trong việc cung cấp điện cho nền kinh tế, giá cả lại cạnh tranh. Nếu so sánh về dân số thì công suất đặt nhiệt điện than ở Hàn Quốc gấp 3 lần Việt Nam và so sánh diện tích thì công suất đặt gấp 10 lần Việt Nam. Các vấn đề môi trường được kiểm soát tốt do Hàn Quốc sử dụng công nghệ cao, đồng thời sử dụng nguồn tro xỉ một cách triệt để.

Nguồn: Moit.gov.vn