menu search
Đóng menu
Đóng

Cổ phần hóa các Genco: EVN thừa nhận khó thoái vốn

06:52 30/08/2015

Vinanet - Trong lộ trình tái cơ cấu của EVN, các Genco sẽ được cổ phần hóa sau khi lành mạnh tài chính. Các Genco hiện đang khó khăn trong việc thu xếp vốn cho các dự án, khó hấp dẫn các nhà đầu tư khi thực hiện cổ phần hóa.

Ngày 23/11/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1782/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhằm bảo đảm EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội. 

Triển khai kế hoạch của đề án tái cơ cấu, hiện EVN đang triển khai thực hiện cổ phần hóa Genco 3 và đang chuẩn bị các bước để cổ phần hóa Genco 1 và 2 trong năm 2016.

Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu, EVN cho rằng, vướng mắc lớn nhất chính là việc thoái vốn tại các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản. Theo EVN, tiêu chí bảo toàn và phát triển vốn do bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, các quy định pháp luật về thoái vốn còn có bất cập và chậm được hoàn thiện.

Việc cổ phần hóa 3 Genco gặp khó khăn khi các công ty này được hình thành nhằm phù hợp với lộ trình hình thành thị trường phát điện cạnh tranh. Nhiệm vụ của các Genco là quản lý vận hành, sản xuất điện và tiếp tục đầu tư phát triển các dự án nguồn điện mới, sau khi lành mạnh tài chính sẽ thực hiện cổ phần hóa.

Tuy nhiên tình hình tài chính của các Genco khó khăn trong việc thu xếp vốn cho các dự án, khó hấp dẫn các nhà đầu tư khi thực hiện cổ phần hóa.

Ngoài ra, trụ sở của các Genco ở xa các trung tâm kinh tế, tài chính, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành các đơn vị thành viên nằm rải rác tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

EVN cho rằng, tại các Genco có khó khăn trong giao dịch với các Bộ, ngành và các tổ chức tính dụng trong và ngoài nước; khó thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Không những vậy, ba Genco đang trực tiếp vận hành nhà máy sản xuất điện như Uông Bí, Phú Mỹ, Cần Thơ - Ô Môn; bộ máy hoạt động của Công ty mẹ. Đồng thời, các Genco này vừa phải thực hiện chỉ đạo chung vừa phải đảm nhận công tác quản lý điều hành cụ thể tại các nhà máy dẫn đến thiếu hiệu quả và thiếu tập trung vào công việc chỉ đạo chung của Tổng công ty.

Để giải quyết khó khăn trên, EVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và đề xuất các cơ chế đồng bộ để cổ phần hóa thành công Genco 3 và trong thời gian tới là Genco 1 và 2.
 
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác sắp xếp, tái cơ cấu, phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới, EVN kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành sớm ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp đã có hiệu lực từ 1/7/2015.
 
Đồng thời, EVN cũng kiến nghị ngành điện kiên trì thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường và tách bạch hoạt động công ích và hoạt động sản xuất kinh doanh để đánh giá đúng kết quả hoạt động của EVN.

Được biết, sau gần 3 năm Đề án tái cơ cấu EVN được phê duyệt, Tập đoàn này đã thoái toàn bộ vốn của Tập đoàn tại 3 công ty cổ phần bất động sản.

Đồng thời, EVN cũng giảm vốn tại Công ty Cổ phần Tài chính Điện lực xuống 16,5% vốn điều lệ, thoái vốn lần 1 tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm toàn cầu, Ngân hàng TMCP An Bình.

Đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền thu về đạt trên 981 tỷ đồng. Tập đoàn này cho biết đang tiếp tục thực hiện các thủ tục thoái vốn tại các đơn vị còn lại theo quy định.

Lộ trình cổ phần hóa các Genco sẽ phù hợp với thị trường điện cạnh tranh

Tại một hội thảo tổ được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nhận định, tái cơ cấu ngành điện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Đối với đề án tái cơ cấu ngành điện, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương xem xét và trình Chính phủ trong tháng 12/2015 này.

Một trong những trọng tâm của tái cơ cấu ngành điện là tiến hành cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện (Genco) của EVN, Tổng công ty Điện lực dầu khí thuộc (PV Power - PVN và Tổng công ty Điện lực - Vinacomin.

Hiện nay, Tổng công ty Điện lực Vinacomin đã cổ phần hóa xong. Bốn tổng công ty phát điện còn lại của EVN và PVN sẽ triển khai cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và đề xuất với Thủ tướng quyết định để lộ trình cổ phần hóa các Genco phù hợp với kế hoạch triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh. 

                                                                                           Huyền Thương