menu search
Đóng menu
Đóng

Diễn biến vụ DOC điều tra thép NK theo QĐ tại Mục 232 Đạo luật mở rộng TM năm 1962

09:34 28/07/2017

Vinanet - Ngày 19 tháng 4 năm 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra theo quy định tại Mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 (19 U.S.C 1862) nhằm xác định sản phẩm thép có đang nhập khẩu vào Hoa Kỳ với số lượng hoặc trong hoàn cảnh mà làm suy yếu an ninh quốc gia (national security) của Hoa Kỳ không.

Một số thông tin cập nhật diễn biến vụ việc như sau:

Phiên điều trần

Ngày 24 tháng 5 năm 2017, DOC đã tổ chức phiên điều trần công khai vụ việc. Phiên điều trần này được tổ chức sớm hơn dự kiến ban đầu (vào tháng 9 năm 2017), dưới yêu cầu tiến hành điều tra nhanh của Tổng thống (kết thúc điều tra trong vòng 30-50 ngày). Tại phiên điều trần, Bộ trưởng DOC Wilbur Ross thông báo rằng dự kiến vụ điều tra sẽ kết thúc và đưa ra khuyến nghị về biện pháp áp dụng với Tổng thống vào cuối tháng 06 năm 2017.

Mặc dù không có số lượng chính xác về số đơn đăng ký tham gia phiên điều trần, nhưng số lượng người thực tế tham gia rất đông khoảng 250 người, bao gồm các nhà sản xuất nội địa, nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, một số đại diện tổ chức, Chính phủ nước ngoài, tuy nhiên số lượng các nhà sản xuất nội địa chiếm đa số.

Các nhà sản xuất nội địa được cho là đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để tham gia phiên điều trần với các lập luận tương đối giống nhau, và tập trung vào các điểm chính sau: (1) việc dư thừa công suất toàn cầu và “hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh” đang gây thiệt hại cho các nhà sản xuất nội địa; (2) hệ thống luật pháp phòng vệ thương mại hiện tại không hoạt động hiệu quả vì khi một nước bị áp dụng biện pháp thì các nước khác lại trở thành các đối thủ cạnh tranh với nhà sản xuất nội địa; (3) đề nghị biện pháp khắc phục dưới dạng hạn ngạch hoặc tăng thuế (nhưng ưu tiên áp dụng biện pháp hạn ngạch).

Ngoài ra, hầu như tất cả đại diện của nhà sản xuất nội địa đều đề nghị rằng thuật ngữ “an ninh quốc gia” nên được diễn giải rộng hơn là chỉ giới hạn ở vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cho quân đội. Bên cạnh việc cung cấp nguyên liệu cho quân đội, các nhà sản xuất này cho rằng an ninh quốc gia nên mở rộng ra cả an ninh năng lượng, cơ sở hạ tầng, việc làm và tính ổn định của nền kinh tế. Mặc dù Trung Quốc là nước bị quan ngại hàng đầu, Hàn Quốc cũng bị nhiều bên cho là một đối tượng hướng tới. Các nước/vùng lãnh thỏ khác được nhắc đến trong quan ngại của ngành sản xuất nội địa gồm Nga, Brazil, Nhật Bản, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Đài Loan...

Trong khi đó, đại diện của các nước xuất khẩu cho rằng các biện pháp phòng vệ thương mại hiện tại đã đủ hiệu quả để giải quyết các quan ngại của ngành sản xuất nội địa, và ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ đang hoạt động tốt, việc đơn phương áp dụng một biện pháp cho tất cả các sản phẩm có thể ảnh hưởng tiêu cực (như gây tăng giá, trả đũa). Một số đại diện tham gia phiên điều trần đề nghị loại trừ không áp dụng biện pháp theo Mục 232 với ngành sản xuất của họ (ví dụ thép thiếc). Một số khác cũng đề nghị cân nhắc cẩn trọng biện pháp do có thể dẫn tới hành vi trả đũa của các nước khác, và có thể sẽ mở đường cho các nước khác áp dụng biện pháp tương tự với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Thông tin báo chí liên quan đến vụ việc:

- Tờ Inside US Trade ngày 12 tháng 6 năm 2017 đưa tin quyết định điều tra theo Mục 232 của Hoa Kỳ vấp phải một số sự phản đối từ chính một số cơ quan trong bộ máy chính quyền Hoa Kỳ, trong đó có bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Giám đốc Ủy ban Kinh tế quốc gia Gary Cohn và Bộ Quốc phòng. Nguồn tin cho biết Bộ trưởng Tài chính “đang cố gắng để giới hạn phạm vi của các sản phẩm thép bị coi là ảnh hưởng an ninh quốc gia” và ông Mnuchin và ông Cohn đang “cố gắng hạn chế ảnh hưởng của bất kỳ loại thuế nào lên nền kinh tế Hoa Kỳ”.

Tờ Inside US Trade cũng thông tin rằng Bộ trưởng DOC Wilbur Ross đã phát biểu trước Tiểu ban Thương mại, Pháp lý, Khoa học và các Cơ quan liên quan của Thượng viện rằng “có 03 loại biện pháp có thể được khuyến nghị với Tổng thống nếu việc điều tra dẫn đến kết luận rằng cần áp dụng biện pháp để khắc phục thiệt hại” và “hình thức đầu tiên sẽ là áp thuế ở mức cao hơn mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp hiện tại; hình thức thứ hai là áp dụng hạn ngạch, và thứ ba là có thể là hạn ngạch thuế quan (chỉ áp dụng thuế với hàng hóa nhập khẩu vượt hạn ngạch quy định)”. Hình thức thứ ba vấp phải nhiều tranh cãi cho rằng có thể dẫn tới sự ‘bất ổn” và “không công bằng” giữa những người mua các sản phẩm thép từ nước ngoài và “rất khó để kiểm soát biện pháp này và sẽ tạo cơ hội cho việc lạm dụng biện pháp”.

- Vào ngày 13 tháng 7 năm 2017, tờ Inside Trade tiếp tục đưa tin Bộ trưởng DOC Wilbur Ross đã có cuộc gặp với Ủy ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ và phát biểu rằng sẽ ra báo cáo điều tra trong vòng 01 tuần sau buổi họp, và sẽ đưa ra một danh sách biện pháp để Tổng thống lựa chọn. Mặc dù ông Ross không cho biết thời điểm cụ thể ra báo cáo, nhưng ngày 19 tháng 7 năm 2017, các Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc sẽ tới Washington tham dự phiên họp đầu tiên Đối thoại kinh tế toàn diện Trung – Mỹ. Do đó, dự kiến Bộ trưởng Ross sẽ ra báo cáo điều tra sau thời điểm này. Thành viên của Ủy ban Tài chính Ron Wyden cho rằng chính phủ nên tìm kiếm một “giải pháp mang tính bền vững”, và viêc áp dụng theo Mục 232 không được coi là một giải pháp bền vững, không phải là một chiến lược vĩnh viễn. Ông Wyden không nói là liệu ông Ross có loại trừ cho nước nào không, nhưng ông này cho biết “Ngài Bộ trưởng luôn cảm thấy Canada rất quan trọng, và đối tượng chính của vụ việc là Trung Quốc. Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp cũng thường xuyên cảnh báo rằng việc tập trung vào sắt thép có thể dẫn tới cái giá phải trả là lợi ích của các sản phẩm nông nghiệp, và Bộ trưởng Ross hiểu rất rõ điều này.”

- Nguồn tin từ trang Law360 cho biết DOC sẽ chờ kết quả báo cáo về biện pháp áp dụng với thép trước khi ra báo cáo về nhôm (sản phẩm nhôm cũng bị điều tra theo quy định của Mục 232 gần như đồng thời với sản phẩm thép).

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:

Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài – Cục Quản lý cạnh tranh

Địa chỉ: 25 Ngô Quyền – Hà Nội

Điện thoại: (04)222. 05012

Fax: (04)222.05003

Cục Quản lý cạnh tranh

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương