Hội thảo quốc gia Thực trạng thị trường phân bón Việt Nam và thế giới, định hướng tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và TW Hiệp hội phân bón Việt Nam đồng tổ chức ngày 12/10 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón báo cáo về thị trường phân bón Việt Nam, trong đó lưu ý đến những doanh nghiệp có khả năng sản xuất phân bón kém chất lượng, phân bón giả. Ông Thúy cho rằng, hơn 10 năm qua thị trường phân bón chưa cải thiện, nguyên nhân lớn là do “tệ nạn” phân bón giả.
Trong tháng 8/2015, Hiệp hội phân bón đã điều tra 60 tỉnh thành cả nước với con só thống kê trên 700 cở sở sản xuất phân bón; trong đó gồm các tập đoàn, công ty và chi nhánh sản xuất.
Riêng tại TP.HCM có 491 công ty và chi nhánh, trong đó có 267 đơn vị sản xuất phân bón dễ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng và gây ô nhiễm môi trường. Hà Nội có 22 công ty sản xuất phân bón, Thanh Hóa có 22 công ty, Đồng Nai có 47 công ty và Đồng Tháp 21 công ty sản xuất phân bón,...
Đại diện Hiệp hội phân bón cho rằng, việc cơ sở sản xuất phân bón tràn lan ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng của người nông dân, một mặt khiến cho thị trường phân bón chồng chéo. Hệ thống phân phối nhiều cấp, nhiều mạng lưới khiến cho giá thành sản phẩm bị đẩy lên nhiều lần. Ngoài ra, thị trường phân bón khó kiểm soát, ảnh hưởng đến đơn vị sản xuất phân bón chất lượng.
Với thực trạng trên, ông Thúy kiến nghị cần quy hoạch, tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh và lập lại thị trường phân bón. Trong đó, các cơ quan chức năng nên có chế tài kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh của cơ sở sản xuất phân bón nhỏ lẻ với sản lượng vài chục nghìn tấn/năm, sản xuất bằng công nghệ cuốc xẻng, bằng xe trộn bê tông. Những cơ sở sản xuất này cũng không có phòng thí nghiệm khiến chất lượng phân bón kém, không khác phân bón giả.
Bên cạnh đó, Hiệp hội phân bón cũng kiến nghị cơ quan quản lý bắt buộc các đơn vị sản xuất xây dựng phòng thí nghiệm, kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm trong quá trình sản xuất.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Đông - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cũng nhấn mạnh, thực tế trên thị trường, một số doanh nghiệp nhỏ đã tự động đóng dấu hoặc bằng cách nào đó khiến cho người dân lầm tưởng là phân bón được Nhà nước đảm bảo chất lượng.
"Do đó, cơ quan chức năng cần xem kỹ lại việc đóng nhãn dán và yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm phân bón để người tiêu dùng có thể phân biệt được phân bón thật, phân bón giả. Và thị trường cũng nên có một mẫu chung cho một loại phân bón và tăng cường tuyên truyền để người nông dân nắm được sản phẩm phân bón tốt," ông Đông nói.
Huyền Thương