menu search
Đóng menu
Đóng

EVN đang lo thiếu vốn và biến động tỷ giá

08:00 22/08/2015

Vinanet - Trong nhiệm kỳ 5 năm tới (2015 - 2020), EVN sẽ gặp khó khăn trong việc cân đối vốn để đáp ứng khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII. Biến động tỷ giá, cơ cấu sản lượng phát điện,... cũng là vấn đề trở ngại của tập đoàn này. 

Đại hội thi đua yêu nước Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lần thứ III tổ chức sáng ngày 21/8, đánh giá nhiệm vụ thực hiện, thi đua nhiệm kỳ 5 năm qua và định hướng nhiệm kỳ tới 2015 - 2020. 

Trong nhiệm kỳ mới, EVN dự kiến xây dựng kế hoạch đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc với mức tăng trưởng bình quân 10,5% - 11%/năm.

Mục tiêu EVN đặt ra là nếu điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tới năm 2020 khoảng 262-270 tỷ kWh, thì điện sản xuất của các nhà máy điện trong Tập đoàn chiếm khoảng 35-40% tổng nhu cầu. EVN đặt mục tiêu hoàn thành đưa vào vận hành 19 tổ máy thuộc 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.819 MW trong vòng 5 năm tới.

EVN dự kiến đảm bảo huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 là 614.800 tỷ đồng. Liên quan đến nguồn vốn, EVN cũng cho biết, khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn so với khả năng tự cân đối của Tập đoàn.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ tới đây, EVN lo ngại một số khó khăn như tính ổn định của các nhà máy điện của doanh nghiệp khác, giá nhiên liệu, biến động ngoại tệ....

Theo EVN, hiện nay, sản lượng điện sản xuất của Tập đoàn chiếm khoảng 40% so với điện sản xuất và nhập khẩu của hệ thống. Căn cứ theo Qui hoạch điện VII, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng điện sản xuất của Tập đoàn có xu hướng giảm dần. 

Vì vậy,  để đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, ngoài nỗ lực của bản thân Tập đoàn còn phụ thuộc rất nhiều năng lực, tính ổn định của các nhà máy điện của các doanh nghiệp khác. 

EVN cũng quan ngại về việc sản xuất kinh doanh điện và đầu tư của Tập đoàn tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn, rủi ro của các yếu tố đầu vào cơ bản như giá nhiên liệu, biến động tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ,...

Các nguồn nhiên liệu trong nước không đảm bảo đáp ứng cho sản xuất điện, tiến tới phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu than, điện và khí cũng là vấn đề khó khăn đối với EVN. 

Ngoài ra, yêu cầu về đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực vận hành các nhà máy điện hạt nhân cũng là một khó khăn trong những năm tới. 

Tuy nhiên, EVN cho biết, nhiệm kỳ 5 năm tới, tập đoàn vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Thực hiện cơ chế giá bán điện mới sẽ tạo điều kiện cho Tập đoàn đảm bảo cân bằng tài chính, sản xuất kinh doanh  điện có lợi nhuận hợp lý.

"Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. 
Đây là cơ hội để Tập đoàn tự đánh giá lại mọi mặt hoạt động, xác định lại chiến lược phát triển, xác định tái cơ cấu về ngành nghề kinh doanh, về sở hữu và quản trị doanh nghiệp theo hướng phát triển hiệu quả bền vững", EVN nhận định. 

Huyền Thương