menu search
Đóng menu
Đóng

EVN: Phương án biểu giá điện mới không làm giá điện tăng

16:24 29/09/2015

Vinanet - Dù chọn kịch bản biểu giá điện nào thì giá điện không tăng giá, đúng bằng 1.747 đ/kWh. Từ đó dù tính giá nào cũng không làm tăng doanh thu của ngành điện, không làm tăng giá bán.

Đó là khẳng định của ông Hoàng Văn Tùy - Phó trưởng ban tài chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Giá bán lẻ điện: Hài hòa lợi ích các bên" do Báo điện tử Chính phủ tổ chức ngày 29/9.

Trả lời câu hỏi tại sao giá điện sinh hoạt lại cao hơn giá điện bình quân chung, ông Hoàng Văn Thùy cho hay: Việc tính giá cho khách hàng sử dụng điện theo quy định của Chính phủ. Giá giá bình quân chung 1.622đ/kWh là giá bình quân cho sản xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp, kinh doanh dịch vụ và sinh hoạt. Trong đó, mỗi nhóm đều có giá điện bình quân. Trong nhóm sinh hoạt sinh hoạt hiện nay, giá bình quân của 6 bậc thang là 1.747kWh. Và giá bình quân của nhóm điện sinh hoạt đã nằm trong giá bình quân chung 1.622 đ/kWh.

Ông Tùy cho biết việc vẫn đưa phương án với 6 bậc thang giá điện như hiện nay nhằm để làm cơ sở so sánh với các phương án cải tiến sau đó. Còn phương án giảm biểu giá điện từ 6 bậc xuống 3-4 bậc nhằm hạn chế mức tăng hóa đơn điện vào mùa nóng. 

"Dù chọn kịch bản nào thì tất cả các kịch bản không tăng giá, đúng bằng 1.747 đ/kWh. Từ đó dù tính giá nào cũng không làm tăng doanh thu của ngành điện, không làm tăng giá bán". Không có một phương án nào để tất cả các nhóm người tiêu dùng được hưởng lợi. Nhưng phương án được lựa chọn sẽ là phương án ưu tiêu người tiêu dùng."- Ông Tùy nói.

GS.TS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nêu quan điểm, dự thảo đề án cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do EVN đưa ra đã đáp ứng quy trình luật điện lực. Tuy nhiên, từng phương án chi tiết cần phải xem xét. Theo ông Long, phương án bậc thang nhiều bậc không có khăn gì trong việc ghi chỉ số công tơ. Việc tính toán cũng không có gì phức tạp, chỉ cần thực hiện phép nhân và phép cộng. Do đó, phương án 6 bậc đưa ra cũng có cái lý. Tuy nhiên có thể cải tiến ở chỗ rút ngắn số bậc. Hai bậc đầu giá gần nhau nên có thể gộp lại là một, do đó có thể kéo xuống 5 bậc. 

Ông Trần Đình Long cho rằng điện năng là loại hàng hóa đặc thù, kinh doanh điện năng là loại kinh doanh có điều kiện. Trong khi các mặt hàng khác, người dân dùng càng nhiều, giá hàng hóa càng giảm giá; nhưng đối với hàng hóa điện, dùng càng nhiều càng phải trả tiền nhiều. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, trong bối cảnh nước ta, EVN đang nắm 95% trong khâu phân phối bán lẻ. Do đó, Bộ Công Thương giao cho EVN xây dựng đề án là hợp lý. 

Ông Tuấn khẳng định, dù đề án giao cho EVN lập và nghiên cứu nhưng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương sẽ là cơ quan quyết định phương án biểu giá điện bán lẻ mới. Cục Điều tiết sẽ đánh giá lại ưu và nhược điểm từng phương án, sẽ tổng hợp báo cáo cuối cùng xin ý kiến các bộ ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. 

Ông Tuấn lưu ý thêm, tiêu chí Bộ Công Thương khi xây dựng biểu giá bán lẻ điện là kiên quyết đảm bảo chính sách an sinh xã hội, các bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện khuyến khích người dân sử dụng điện hiệu quả.

Không tính chi phí xây sân tennis, bể bơi vào giá điện

Trả lời thắc mắc về việc tỷ giá có tác động lên giá điện hay không? ông Thùy cho rằng, EVN có sử dụng nguồn vốn vay ngoại tệ lớn để đầu tư các dự án. Khi tỷ giá điều chỉnh tăng, EVN sẽ chịu chênh lệch tỷ giá phát sinh với một số lượng lớn.

Tính chi phí chênh lệch tỷ giá của EVN gồm hai phần: Chênh lệch tỷ giá thực hiện trong năm, khoản chênh lệch tỷ giá theo số dư có biến tại ngày cuối năm. Những năm vừa qua, với việc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần điều chỉnh tỷ giá, EVN đã chịu khoản chi phí lớn cho việc điều chỉnh này. Theo đó, EVN đã phải báo cáo Bộ Công Thương cho phép phân bổ dần khoản chênh lệch tỷ giá vào một số năm, để giảm bớt áp lực chi phí sản xuất vào giá điện tức thời.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết,  hai tập đoàn Vinacomin và EVN vừa qua đã có báo cáo việc ảnh hưởng của tỷ giá đến kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ giá chỉ là một trong 4 yếu tố cấu thành lên giá điện. Do đó, ý kiến rằng phải điều chỉnh tăng giá điện hay phải xây dựng biểu giá bán lẻ điện mới là do tác động tỷ giá gây ra thì không đúng. Thực tế, các cơ quan sẽ phải xem xét diễn biến sau 6 tháng mới có quyết định điều chỉnh giá điện hay không. Hơn nữa, giá điện tăng hay giảm còn là theo cơ chế thị trường.

Mặc khác, ông Tuấn cho hay, tổng chi phí của doanh nghiệp phải tăng tối thiểu 7% thì doanh nghiệp mới được xem xét cho điều chỉnh giá điện hay không.

Ngoài ra, giá thành sản xuất điện gồm chi phí 4 khâu: Phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ và khâu phụ trợ. Trong đó, khâu phát điện chiếm chi phí cao nhất, chiếm 78%. Các tính toán dựa trên báo cáo sản xuất kinh doanh điện của EVN. Tuy nhiên, EVN hoàn toàn không được đưa các chi phí hoạt động ngoài ngành vào chi phí giá thành điện. Đặc biệt, các chi phí xây sân tennis, bể bơi khẳng định không được tính vào giá điện. 

 Ba phương án biểu giá điện đưa ra lấy ý kiến

* Phương án 1 vẫn giữ nguyên 6 bậc như hiện hành

*  Phương án 2 áp dụng một mức đồng giá 1.747 đồng/kWh

* Phương án III: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 bậc hoặc 4 bậc. Mức giá bình quân là 1.747 đ/kWh. Theo các kịch bản như sau:

- Kịch bản 1: Bậc 1 với 50 kWh đầu có giá 1.484 đồng/kWh; Bậc 2 từ 250 kWh có giá 1.763 đồng/kWh; Bậc 3 trên 300 kWh có giá 2.557 đồng/kWh.

- Kịch bản 2: Bậc 1 với 100 kWh đầu có giá 1.501 đồng/kWh; Bậc 2 là từ 200 kWh có giá 1.907 đồng/kWh; Bậc 3, trên 300 kWh có giá 2.557 đồng/kWh.

- Kịch bản 3: Bậc 1với 150 kWh đầu có giá 1.559 đồng/kWh; Bậc 2 từ 150 kWh có giá 2.007 đồng/kWh; Bậc 3, trên 300 kWh có giá 2.557 đồng/kWh.

- Kịch bản 4: Bậc 1 với 200 kWh có giá 1.584 đồng/kWh; Bậc 2 từ 200 kWh có giá 2.325 đồng/kWh; Bậc 3 trên 400 kWh có giá 2.587 đồng/kWh.

- Kịch bản 5: Bậc 1 với 50 kWh có giá 1.484 đồng/kWh; Bậc 2 từ 150 kWh có giá 1.670 đồng/kWh; Bậc 3 là từ 200 kWh có giá 2.325 đồng/kWh; Bậc 4 trên 400 kWh có giá 2.587 đồng/kWh.

 

 

Huyền Thương