Cước vận tải đuổi không kịp đà giảm giá xăng
Trước tác động của giá xăng giảm, trao đổi với Vinanet, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, doanh nghiệp vận tải taxi quan tâm bình ổn giá nhiều hơn. “Giá xăng tăng liên tục nhưng giảm nhiều lần nhỏ giọt khiến doanh nghiệp vận tải chạy theo không kịp. Chúng tôi mong muốn giá xăng bình ổn trong khoảng thời gian nhất định”, ông Bình chia sẻ.
Khi được hỏi liệu giá cước taxi có điều chỉnh giảm trong thời gian tới, ông Bình phân tích, trong đợt giá xăng tăng, doanh nghiệp taxi có hai xu hướng: doanh nghiệp giữ giá và doanh nghiệp tăng giá cước. Nếu doanh nghiệp giữ giá sẽ không điều chỉnh giảm vì thời gian trước đó họ đã gồng mình để cân đối giá. Đối với doanh nghiệp tăng giá trong thời gian giá xăng tăng thì bây giờ sẽ điều chỉnh giảm giá cước.
“Mỗi lần điều chỉnh giá cước là một lần doanh nghiệp tốn khá nhiều chi phí. Xăng tăng, giảm 11 lần đồng nghĩa doanh nghiệp điều chỉnh 11 lần thì doanh nghiệp chết, rất tốn kém và vô cùng khó khăn, không thể chạy theo kịp”, ông Bình nói.
Cùng chia sẻ, ông Thân Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, giá xăng điều chỉnh 15 ngày/lần khiến giá vận tải không điều chỉnh theo kịp. Lý do khiến doanh nghiệp chưa điều chỉnh giá cước bởi giá xăng tăng hoặc giảm 10% mới điều chỉnh giá cước.
Ông phân tích: "Không phải các doanh nghiệp đều đồng loạt giảm giá cùng thời điểm. Mức điều chỉnh tùy thuộc vào thời điểm giá cước niêm yết của doanh nghiệp đó giá xăng là bao nhiêu, có tăng hoặc giảm 10% so với giá xăng hiện tại , khi đó doanh nghiệp sẽ điều chỉnh".
Ông Thanh cho rằng giá xăng điều chỉnh rất dễ nhưng doanh nghiệp điều chỉnh giá cước khó khăn bởi mỗi lần điều chỉnh giá cước trên đồng hồ taxi mất 100.000 đồng/lần, chưa kể tài xế taxi phải nghỉ làm nửa buổi gây tốn kém. Đối với xe khách, mỗi lần điều chỉnh giá cước sẽ phải in lại vé xe, toàn bộ vé cũ phải hủy cũng gây lãng phí, thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ông Thanh phân tích thêm, hiện nay giá cước của doanh nghiệp vận tải nhà nước không quản lý, doanh nghiệp tự cân đối để giữ khách, bản thân các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh để khách hàng không quay lưng lại với mình nên họ sẽ tự có mức điều chỉnh phù hợp. Hơn nữa, các hợp đồng vận tải đều là hợp đồng ngắn hạn, thanh toán theo từng chuyến, từng ngày nên doanh nghiệp sẽ có mức thu phí phù hợp ở từng thời điểm.
Cần có chế tài doanh nghiệp chây ì giảm cước
Trao đổi với Vinanet, GS.TS Đặng Đình Đào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho rằng trước tác động của giá xăng dầu giảm, các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa phải điều chỉnh giảm giá theo mức giảm của xăng dầu. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp tự điều chỉnh giá sẽ rất khó, cơ quan quản lý nhà nước, quản lý thị trường phải có chính sách tác động, nếu không sẽ thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, GS Đặng Đình Đào khẳng định: "Đối với doanh nghiệp yêu cầu điều chỉnh sẽ rất khó, cần phải có thời gian nhất định. Sau một thời gian ngắn họ không điều chỉnh giảm thì phải có biện pháp xử lý, chế tài mạnh theo quy định của Nhà nước".
Về tác động đến kinh tế, GS.TS Đặng Đình Đào cũng cho rằng, giá xăng dầu giảm, dự báo giá hàng hóa trong nước giảm theo dẫn đến CPI trong tháng 9 có xu hướng giảm so với tháng 8. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam.
"Mặc dù giá xăng dầu giảm sâu làm thất thu nguồn ngân sách nhà nước nhưng ngược lại nguồn thu từ các mặt hàng khác sẽ tăng lên. Vì vậy, nền kinh tế sẽ ảnh hưởng theo hướng tích cực nhiều hơn là tiêu cực", ông Đào khẳng định.
Hải Yến - Kiều Linh