menu search
Đóng menu
Đóng

Khai thác than công nghệ Trung Quốc đe dọa sức khỏe con người

13:30 29/09/2015

Vinanet - Cùng với việc nhập khẩu than, ngành than cũng nhập khẩu công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Và khi áp dụng những công nghệ không hiện đại trong khai thác than đã phần nào gây tác hại đến sức khỏe con người cũng như ảnh hưởng đến môi trường.

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đại diện cho Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã chia sẻ như vậy tại hội thảo “Than và Nhiệt điện than: Những điều chưa biết” tổ chức ngày 29/9.

Tại hội thảo, bà Ngụy Thị Khanh thừa nhận ngành điện Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể đối với nền kinh. "Hiện có 19 nhà máy nhiệt điện than được vận hành, trong đó 2/3 nhà máy sử dụng nguồn than Quảng Ninh. Nếu thực hiện đúng kế hoạch sơ đồ điện 7, trong thời gian tới ngành điện sẽ có thêm 50 nhà máy nhiệt điện được xây dựng. Điều đó dự báo rằng, nhiệt điện than giữ vị trí quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế tương lai", bà Khanh cho hay.

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) . Ảnh: Huyền Thương

Tuy nhiên theo bà Khanh, để phát triển bền vững an ninh năng lượng, Việt Nam còn nhiều điều đáng phải quan tâm. Đặc biệt, trong thời gian tới, ngành than không chỉ tăng khai thác mà còn phải nhập khẩu một lượng than lớn từ nước ngoài, trong đó dự kiến nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.

Cùng với việc nhập khẩu than, ngành than cũng nhập khẩu công nghệ lạc hậu của Trung Quốc khi các chủ đầu tư từ nước này trúng thầu nhiều dự án nhiệt điện tại Việt Nam. Theo nghiên cứu, công nghệ khai thác than lạc hậu áp dụng tại các dự án đã và đang gây tác hại đến sức khỏe con người cũng như ảnh hưởng đến môi trường. Từ đó, Việt Nam sẽ phải chi thêm các khoản chi phí chống ô nhiễm môi trường, nguồn nước hay chi phí y tế.

Theo đó, bà Khanh kiến nghị nên tính toán các chi phí ngoại biên như chi phí môi trường, ô nhiễm, y tế do việc khai thác than gây ra vào chi phí giá thành điện. Việc tính chi phí trên vào giá điện với mục đích để minh bạch hóa giá điện. Đồng thời, các bên cũng xác định được các chi phí phải chi ngược lại cho môi trường; từ đó phát triển nguồn năng lượng ít tác hại và ít chi phí hơn.

Ngoài ra, bà Khanh cũng nhấn mạnh, khi nhập khẩu than từ nước ngoài sẽ gia tăng lực lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam khi họ xây dựng các công trình thủy điện. Điều này cũng tác động lên việc giải quyết việc làm cho người lao động.

Chia sẻ quan điểm, ông Lauri Myllyvirta, chuyên gia nghiên cứu về than và ô nhiễm không khí - thành viên trong nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Havard đã đưa ra những con số dẫn chứng về tác hại của nhiệt điện than đối với sức khỏe người dân.

Cụ thể, tại Trung Quốc, năm 2010, số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than lên tới 1.230.000 người, Châu Âu là 240.000 người và Việt Nam là 31.000 người. Riêng đối với Việt Nam, ông Lauri Myllyvirta cho hay, ô nhiễm không khí chính là lý do tăng nguy cơ tử vong. Người dân chịu gánh nặng bệnh đột quỵ, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, ung thư gan, ung thư phổi, sơ gan, ung thư dạ dày. Đặc biệt, số lượng trẻ em bị viêm đường hô hấp dưới do sự phởi nhiễm PM2.5 ngành càng tăng lên do nhiệt điện than gây ra.

Ngoài ra, ông Lauri Myllyvirta nhấn mạnh, hiểu được những tác động nhiệt điện than, các quốc gia trên thế giới đã đầu tư phát triển các nguồn năng lượng thay thế. Năm 2014 là năm đầu tiên thế giới sử dụng năng lượng tái sinh nhiều hơn năng lượng hóa thạch. Trong đó, quốc gia có số người chết liên quan đến nhiệt điện than như Trung Quốc cũng đang hạn chế phát triển nhiệt điện than. Tại quốc gia này, sự tăng trưởng nhu cầu điện đều đến từ nguồn nguyên liệu phi hóa thạch, chủ yếu là năng lượng tái sinh.

Tuy nhiên, ông Lauri Myllyvirta tỏ ra ngạc nhiên khi Việt Nam có vẻ đi ngược lại xu thế  phát triển nguồn năng lượng thế giới khi nhu cầu điện trong tương lai phụ thuộc chủ yếu vào than. Theo nghiên cứu, nguồn không khí khu vực miền Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh hiện đang trong diện cạnh báo đỏ về sự ô nhiễm. Trong tương lai, không chỉ miền Bắc mà nguy cơ toàn bộ bầu không khí khu vực miền Nam cũng sẽ ô nhiễm nghiêm trọng do nhiệt điện than.

Từ những lo ngại trên, đại diện nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Havard khuyến nghị các cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư cần xem xét vấn đề chất lượng không khí, đánh giá mức tác động sức khỏe khi quy hoạch các nhà máy điện, các ngành công nghiệp và giao thông vận tải. Đồng thời, vị đại diện này khuyến nghị Việt Nam cần cập nhật các tiêu chuẩn về phát thải theo kịp các nước đang phát triển và các nước phát triển khác.

Huyền Thương