Tuy nhiên, hiện Tổ giúp việc Ban chỉ đạo chưa thống nhất và đưa ra được phương án về giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa Tổng Công ty giấy Việt Nam (Vinapaco). Dự kiến, một số vướng mắc sẽ cần thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cổ phần hóa Vinapaco theo phương án ban đầu là sẽ cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Nguyên liệu Giấy miền Nam và Công ty mẹ Tổng Công ty giấy Việt Nam. Tuy nhiên, hiện ban chỉ đạo cổ phần hóa Vinapaco đang cân nhắc việc sẽ trình lên phương án gộp hai đơn vị sự nghiệp Viện Công nghiệp giấy - Xenluylo và Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy vào cổ phần hóa cùng Công ty mẹ.
Thực tế, hai viện giấy hiện không cân bằng về năng lực hoạt động cũng như các tiêu chí để có thể cổ phần hóa cùng công ty mẹ. Mặt khác, đơn vị tư vấn cũng lo ngại, nếu không cổ phần trong đợt này, một trong hai viện sẽ phải chật vật để đứng một mình.
Về vấn đề này, ông Hoàng Quốc Lâm - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinapaco cũng chia sẻ "Trong hai viện trên, một viện đề nghị cổ phần hoá, trong khi viện còn lại đề nghị tách ra. Tuy nhiên, về cá nhân tôi thì nên tính gộp giá trị hai viện trên vào giá trị doanh nghiệp, tức cổ phần hóa cùng công ty mẹ Vinapaco".
Được biết, tại thời điểm 1/1/2015, tổng giá trị thực tế doanh nghiệp của công ty mẹ Vinapaco (không bao gồm hai viện giấy) sau khi thẩm định là 6.969,4 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 2.407,3 tỷ đồng.
Hai viện giấy đang được hạch toán tài sản cố định là giá trị đất và giá trị quyền sử đất. Viện Công nghiệp giấy - Xenluylo xác định giá trị 25,84 tỷ đồng tại khu đất 8.000m2 59 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân Hà Nội. Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy xác định giá trị doanh nghiệp là 15,3 tỷ đồng. Đây là giá trị quyền sử dụng 158.959 m2 tại xã Phù Ninh, Phú Thọ. Riêng tại Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy miền Nam, vốn Nhà nước sau khi thẩm định là 300,7 tỷ đồng.
Lâm Minh