Đây là khoá họp đầu tiên hai bên nâng cấp Chủ tịch Phân ban trong UBHH lên cấp Bộ trưởng, khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Rumani và vai trò của cơ chế UBHH trong việc thúc đẩy hợp tác song phương, giải quyết các vướng mắc, khó khăn mà hai bên gặp phải.
Tham dự khóa họp về phía Việt Nam có sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Rumani Đặng Trần Phong, đại diện của Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Công Thương; Ngoại giao; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Lao động, Thương binh và Xã hội.
Về phía Rumani có đại diện các Bộ: Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp; Ngoại giao; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Nghiên cứu và Đổi mới; Kinh tế; Năng lượng; Môi trường; Lao động và Xã hội; Cơ quan An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động vật quốc gia; Eximbank.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tổng kết tình hình triển khai Biên bản Khóa họp 15 của Ủy ban và khẳng định rằng Khóa họp lần này là một bước nối tiếp quan trọng để đưa cơ chế hợp tác UBHH giữa Việt Nam và Rumani theo hướng thực chất và hiệu quả, Rumani là quốc gia có mối quan hệ truyền thống lâu đời đối với Việt Nam và hai Bên đã rất trân trọng mối quan hệ này. Đặc biệt, chuyến thăm của Thủ tướng Rumani Dacian Ciolos đến Việt Nam vào tháng 7 năm 2016 và chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến Rumani vào tháng 4 năm 2019 đã thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo cấp cao hai nước về tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng cảm ơn Chính phủ Rumani, với vai trò là Chủ tịch Liên minh Châu Âu (EU) 6 tháng đầu năm 2019, và cá nhân Ngài Bộ trưởng Stefan Radu Oprea đã tích cực hỗ trợ, góp phần để Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU(EVIPA) sớm được ký kết. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục cùng vận động để các Hiệp định này sớm được các nước thành viên EU phê chuẩn và có hiệu lực thực thi.
Trong khuôn khổ Khóa họp, Ủy ban đã đánh giá tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Rumani sau Khóa họp lần thứ 15 của Ủy ban tại Hà Nội vào tháng 6 năm 2016, các kết quả hai nước đạt được trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và nhận định về các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại giữa hai nước.
Có thể nói, thương mại hai chiều Việt Nam – Rumani tuy có sự tăng trưởng nhưng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của mỗi bên. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Rumani năm 2018 đạt 218,3 triệu USD, tăng 6,08% so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Rumani đạt 146,8 triệu USD, tăng 22,7% so với năm 2017 và nhập khẩu từ Rumani sang Việt Nam đạt 71,5 triệu USD, giảm 17% so với năm 2017. Trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Rumani đạt 174,6 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Rumani đạt 133,98 triệu USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2018 và nhập khẩu từ Rumani sang Việt Nam đạt 40,62 triệu USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Về hợp tác đầu tư giữa hai nước hãy còn dừng lại ở mức độ khiêm tốn mặc dù còn nhiều tiềm năng phát triển.Tính đến 20 tháng 8 năm 2019, Rumani có 02 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,2 triệu USD, đứng thứ 92 trong tổng số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Cả 02 dự án đều được đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong khi đó, Việt Nam có 01 dự án đầu tư vào Rumani với tổng vốn đầu tư 600 nghìn USD.
Thời gian vừa qua, đã có nhiều văn kiện được ký kết trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lao động... nhưng cần có các kế hoạch cụ thể triển khai thực thi các văn kiện này. Trong số các lĩnh vực tiềm năng hợp tác, phía Rumani thể hiện quan tâm ở lĩnh vực lao động. Bạn đang thiếu hụt một lượng lao động khá lớn do số người Rumani chuyển sang các nước phát triển hơn trong Liên minh Châu Âu (EU) để làm việc ngày càng nhiều. Phía Rumani mong muốn được tiếp nhận lao động Việt Nam với số lượng lớn trong các ngành nghề: cơ khí chế tạo, xây dựng, thợ hàn, đóng tàu, du lịch, khách sạn, công nghệ cao...
Tại Khóa họp, hai Bên đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thị trường, tăng cường gặp gỡ, trao đổi thông tin luật pháp và hợp tác kinh doanh. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giầy dép, nông sản, thủy sản, thiết bị điện tử v.v... ; Rumani có thể xuất khẩu mạnh hơn các mặt chế biến từ thịt, mật ong, lúa mỳ, ngô, rượu vang, v.v... Để cụ thể hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thay mặt phía Việt Nam đã có lời mời và phía Rumani đồng ý tham dự Hội chợ Thương mại quốc tế VIETNAM EXPO 2020 với tư cách là khách mời danh dự và đoàn doanh nghiệp Rumani tham dự hội chợ sẽ do Bộ trưởng Stefan Radu Oprea làm trưởng đoàn. Hai bên cũng thống nhất thành lập nhóm công tác chung về thương mại nhằm phân tích, đánh giá tình hình phát triển kinh tế, thương mại song phương từ đó đưa ra những giải pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Về đầu tư, Việt Nam thể hiện sẽ ủng hộ các công ty Rumani đầu tư vào các lĩnh vực mà bạn có thế mạnh như: khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, đóng tàu, truyền tải điện và công nghiệp cơ khí chế tạo; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các nhà hoạch định chính sách kinh tế của hai nước, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi kinh tế, cải cách hành chính và tài chính công, tái cấu trúc doanh nghiệp.
Có thể thấy ngoài những lĩnh vực vốn là trụ cột trong hợp tác giữa Việt Nam và Rumani như thương mại, lao động, giáo dục và đào tạo…, Khoá họp năm nay đã đề cập đến nhiều đề xuất, ý tưởng hợp tác, dự án đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ, IT&C và ICT…Tại những lĩnh vực này, Rumania có thế mạnh về nguồn lực và công nghệ, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, công nhân kỹ thuật có thể đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ. Nhận thấy tiềm năng hợp tác này, trong khuôn khổ khoá họp 16, hai Bên đã dự thảo và ký kết Chương trình hợp tác về Khoa học công nghệ giữa Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam và Bộ Nghiên cứu và Sáng tạo Rumani.
Trong bối cảnh hai bên đang phối hợp xây dựng các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2020, hai Bộ trưởng đã yêu cầu cấp kỹ thuật hai nước sớm báo cáo các Chủ tịch Phân ban kế hoạch cụ thể triển khai kết quả Khóa họp lần này để các hoạt động hợp tác đi vào thực chất hơn, có tính đến việc tận dụng các cam kết của Hiệp định EVFTA và EVIPA khi các Hiệp định này có hiệu lực.
Kết thúc Phiên họp toàn thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Stefan Radu Oprea đã ký Biên bản Khóa họp lần thứ 16 của UBHH; chứng kiến việc ký kết Chương trình hợp tác về khoa học công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Nghiên cứu và Sáng tạo Rumani.
Buổi sáng cùng ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Stefan Radu Oprea đã tham dự và có các bài phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Rumani. Tại Diễn đàn, các Bộ trưởng đã chứng kiến Lễ ký kết 02 văn kiện hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Rumani về phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại và giữa Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và BTD Construct & Ambient Romania về phát triển các dự án xây dựng tại Rumani và khu vực Đông Nam Âu.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ
Nguồn: Moit.gov.vn