menu search
Đóng menu
Đóng

Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về KT và TM VNam và Thổ Nhĩ Kỳ

22:26 13/07/2017

Vinanet - Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về KT-TM VNam và Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 11-13/7/2017 tại HN.

Lễ ký Biên bản Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Phân ban Việt Nam và ngài Mehmet Muezzinoglu, Bộ trưởng Bộ Lao động và An sinh xã hội, Chủ tịch Phân ban Thổ Nhĩ Kỳ vừa diễn ra chiều nay tại Hà Nội.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 11 đến 13 tháng 7 năm 2017 tại Hà Nội.

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm Trưởng đoàn bao gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng và một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan khác.

Đoàn Thổ Nhĩ Kỳ do ngài Mehmet Muezzinoglu–Bộ trưởng Bộ Lao động và An sinh xã hội làm Trưởng đoàn bao gồm 17 thành viên đến từ các Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế, Bộ Lao động và An sinh xã hội, Cơ quan quản lý Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Viện tiêu chuẩn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, Quỹ phát triển giáo dục Maarif, Ban Quan hệ kinh tế đối ngoại, Hội đồng doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ-Việt Nam. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Akif Ayhan cũng tham dự các hoạt động.

Tại Phiên họp toàn thể dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và bộ trưởng Mehmet Muezzinoglu, trong không khí hữu nghị và trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau, hai Trưởng đoàn Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã trao đổi các thông tin liên về tình hình phát triển kinh tế tại mỗi nước và thảo luận, thống nhất một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Cụ thể, về ngoại giao, hai bên tích cực ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, tăng trường trao đổi đoàn các cấp và mở rộng các hoạt động đối ngoại dưới nhiều hình thức; trước mắt, hai bên tích cực thu xếp cho chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhổ Nhĩ Kỳ trong thời gian sớm nhất.

Về thương mại, kim ngạch hai chiều hiện nay đạt khoảng 1,5 tỷ USD/năm vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của mỗi nước. Hai bên nhất trí đặt mục tiêu phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 4 tỷ USD vào năm 2020. Phía Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất khởi xướng đàm phán một FTA song phương; trong khi phía Việt Nam đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam để có thể xem xét, xử lý hài hòa lợi ích và mối quan tâm của nhau.

Về công nghiệp, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác để hỗ trợ cho các hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, Cục Công nghiệp địa phương thuộc Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ Thổ Nhĩ Kỳ-KOSGEB đã ký kết Kế hoạch hành động tại Kỳ họp lần này để tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác trong lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ giữa hai bên. Về đầu tư, hai bên đã thống nhất xong nội dung Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ để sớm ký kết vào thời điểm thuận tiện, tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực đầu tư giữa hai nước.

Về hải quan, hai bên đã thống nhất xong nội dung Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực hải quan giữa Bộ Tài chính và Bộ Thương mại và Hải quan Thổ Nhĩ Kỳ để ký kết vào thời gian sớm nhất. Về tiêu chuẩn chất lượng, hai bên cũng đã thống nhất xong nội dung thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng và Viện Tiêu chuẩn Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những khuôn khổ pháp lý quan trọng đối với các hoạt động giao thương, trao đổi thương mại của doanh nghiệp giữa hai nước.

Một số lĩnh vực hợp tác cũng đã bắt đầu có nhiều khởi sắc như thống kê, khoa học và công nghệ, lao động, giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch, y tế, tài nguyên và môi trường... Hai bên đang tích cực hoàn thiện, thống nhất nội dung để sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực này giữa các cơ quan chuyên môn chức năng của hai nước trong thời gian tới. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác như năng lượng, chế biến thực phẩm, xây dựng, máy móc thiết bị...

Kết thúc Kỳ họp, chiều ngày 13/7/2017, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Phân ban Việt Nam và ngài Mehmet Muezzinoglu, Bộ trưởng Bộ Lao động và An sinh xã hội, Chủ tịch Phân ban Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức ký Biên bản Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên lề Kỳ họp lần này, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Bộ trưởng Mehmet Muezzinoglu, Ban Quan hệ kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ, Hội đồng doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ-Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức cuộc gặp bàn tròn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham dự của Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ phát triển tốt đẹp. Hai bên đã ký kết Hiệp định vận chuyển hàng không, Hiệp định vận tải biển, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã mở đường bay chở khách và chở hàng hóa trực tiếp tới Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội), nâng tuần suất các chuyến bay chở khách, chở hàng hóa và mở rộng đường bay ở Việt Nam. Đây là những khuôn khổ pháp lý và hoạt động quan trọng, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư, việc đi lại của các thương nhân, vận chuyển hàng hóa giữa hai nước. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới tác động tiêu cực, trao đổi thương mại song phương đã khôi phục đà tăng trưởng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 724,6 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 634,9 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ gồm: bao gồm điện thoại di động, xơ sợi dệt, máy vi tính và sản phẩm điện tử và linh kiện, cao su, máy móc thiết bị, sản phẩm sắt thép, dệt may, hạt điều, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, vải, thủy sản, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ…

Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công tốt đẹp, góp phần vào việc tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương