menu search
Đóng menu
Đóng

Lực lượng quản lý thị trường phải nhanh chóng kiện toàn tổ chức

09:02 24/01/2019

Vinanet - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, trong năm 2019, Quản lý thị trường (QLTT) phải nhanh chóng kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng "Chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, công khai và hoạt động hiệu quả".
Sáng ngày 21/01/2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế đã đến tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tổng cục Quản lý thị trường.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, QLTT là lực lượng lớn mạnh, có tính trải rộng, đa dạng về địa lý và sự phối hợp với rất nhiều lực lượng hữu quan như biên phòng, hải quan, thuế, cảnh sát kinh tế... Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, QLTT đã đóng góp rất lớn vào việc bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và bảo vệ nền kinh tế. Vì vậy, Bộ trưởng khích lệ: "Chúng ta có quyền tự hào, tin tưởng vào năng lực của lực lượng QLTT".
Thay mặt Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi lời cảm ơn đến toàn thể lực lượng QLTT vì những cố gắng trong suốt thời gian qua, đóng góp to lớn cho thành tích cùa ngành Công Thương cũng như sự ổn định, phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: "Với tinh thần cầu thị, chúng ta cần nghiêm túc, nghiêm khắc nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế" để tìm ra nguyên nhân, khắc phục một cách hiệu quả. Theo Bộ trưởng, những tồn tại đó là: một, tổ chức bộ máy nhân sự cũng như công tác phối hợp với địa phương chưa hiệu quả; hai, vấn đề kiện toàn ngay tại Tổng cục còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng yêu cầu phải có bộ máy đủ mạnh, tinh thông nghiệp vụ, phẩm chất, mới có thể đáp ứng nhiệm vụ nặng nề được giao. "Nếu tổ chức theo ngành dọc hay ngang, nếu nâng cấp Cục thành Tổng cục... mà không thay đổi thì chỉ "bình cũ, rượu mới" chứ không giải quyết được vấn đề gì" - Bộ trưởng khẳng định. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT trong 4 tháng đầu năm 2019 phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ kiện toàn bộ máy, đáp ứng yêu cầu công việc.
Bộ trưởng cũng chỉ ra điểm tồn tại thứ ba trong công tác năm 2019 của lực lượng QLTT là vấn đề về năng lực chuyên môn, đạo đức, văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ QLTT còn bất cập. Bộ trưởng cho rằng, sự lạc hậu, chậm trễ đổi mới trong nhận thức, hành động, sự lỏng lẻo trong công tác phối hợp với các lực lượng khác tại địa phương... chính là điểm yếu của một số cán bộ QLTT, không thể phù hợp trong bối cảnh mới, cần chấn chỉnh, khắc phục ngay.
Năm 2019, Bộ trưởng đặt ra nhiệm vụ cho toàn lực lượng QLTT: Phải có thay đổi như thế nào cho xứng đáng với mô hình tổ chức ngành dọc. Bộ trưởng chỉ đạo toàn lực lượng phải: tập trung thực hiện hiệu quả các chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Công Thương; tùy thuộc vào địa điểm của từng địa bàn, địa phương, Tổng cục phải có chỉ đạo, gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục rà soát thực tiễn, hoàn thiện khung khổ pháp lý đảm bảo hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT; tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy trình công tác, đạo đức, văn hóa ứng xử, nâng cao chất lượng công chức QLTT, chuẩn hóa lực lượng chính quy, hiện đại; xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp với các địa phương; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tạo sự gắn kết, chia sẻ, đồng thuận của hệ thống chính trị và người dân...
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, ủng hộ lực lượng QLTT hoàn thành nhiệm vụ và luôn cảm thấy tự hào vì trở thành một phần trong "ngôi nhà" Bộ Công Thương.
Ghi nhận những thành tích lực lượng QLTT đạt được những năm qua, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế nhấn mạnh, với kết quả đạt được trong năm 2018, lực lượng QLTT chứng tỏ đây là một lực lượng chủ công, có đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Ông Đàm Thanh Thế đánh giá cao Báo cáo tổng kết của Tổng cục QLTT cũng như các tham luận trình bày tại Hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác năm 2018. Theo đó, vấn đề về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... còn tồn tại nhiều, mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chưa tốt... Vì vậy, theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thời gian tới toàn lực lượng cần nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra...
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, năm 2018, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như: hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ... Hoạt động của các đối tượng buôn lậu diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn như hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ, hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không dưới hình thức hàng xách tay, hành lý ký gửi vận chuyển nhận sau; các đối tượng thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng và tập kết hàng hóa để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 155.583 vụ; phát hiện, xử lý 91.867 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 490,27 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 92,5 tỷ đồng.
Tổng cục trưởng cho biết, năm 2019, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Do vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường cả nước định hướng công tác trọng tâm năm 2019 như sau:
Một là, Tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hai là, kiện toàn tổ chức, nhân sự; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cơ quan, công chức làm công tác quản lý thị trường.
Ba là, đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường.
Năm là, đẩy mạnh số hoá, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường
Sáu là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bảy là, tăng cường công tác phối hợpv ới các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành.
Nguồn: Moit.gov.vn