menu search
Đóng menu
Đóng

Nga cấp 2 tỷ USD vốn đối ứng cho Điện hạt nhân Ninh Thuận 1

10:57 25/09/2015

Vinanet - Thỏa thuận tài chính giữa Việt Nam và Nga về vốn đối ứng cho các dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là 20% tổng mức đầu tư, khoảng 2 tỷ USD. Trong khi phía Nhật Bản đưa ra yêu cầu vốn đối ứng trong nước khoảng 30%.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực đang được tích cực thực hiện.

EVN cử cán bộ đi các nước đang chú trọng phát triển ĐHN như Mỹ, Nhật Bản, Nga để học tập. Bên cạnh đó, việc giải tỏa đền bù tái định cư cho 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận về cơ bản đã hoàn thành.

Các đàm phán về tài chính nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đang khá thuận lợi. Thỏa thuận tài chính giữa Việt Nam và Nga về vốn đối ứng cho các dự án ĐHN Ninh Thuận 1 là 20% tổng mức đầu tư (khoảng 2 tỷ USD). Với nhà máy Ninh Thuận 2 thỏa thuận tài chính  đang đàm phán. Hiện tại, phía Nhật Bản cũng đang đưa ra yêu cầu vốn đối ứng trong nước khoảng 30%.

PGS,TS. Nguyễn Nhị Điền – Viện phó viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho rằng:

Điện hạt nhân là nguồn năng lượng ổn định, lâu dài đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về năng lượng đồng thời góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Đối với Việt Nam nếu được đưa vào khai thác và sử dụng, ĐHN còn đảm bảo cung cấp nguồn điện kinh tế, ổn định, thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan, tạo tiền đề cho ngành khoa học công nghệ phát triển.

Được coi là nguồn năng lượng sạch, điện hạt nhân nếu được đưa vào khai thác và sử dụng sẽ tạo ra nguồn năng lượng lớn và vận hành liên tục. Các lò phản ứng điện nguyên tử chạy 24/24 giờ và tiết kiệm nhiên liệu (1 năm chỉ đốt khoảng 1 thanh nhiên liệu uranium). Vòng đời của 1 dự án ĐHN kéo dài tới 60 năm, cao hơn nhiều các dự án nguồn điện khác. Đồng thời các nhà máy ĐHN vận hành ổn định sẽ tạo ra được nguồn năng lượng lớn lên đến hàng chục ngàn MW điện.

* Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và II xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất dự kiện 4.000 MW. Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, nhà máy điện hạt nhân I và II sẽ hoàn thành vào năm 2022 (phát điện vào cuối năm 2020). Về nguồn kinh phí. Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008.


Lâm Minh