menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành Công thương 2011-2015: Duy trì tốc độ tăng trưởng nhiều lĩnh vực

15:19 17/09/2015

Vinanet - Báo cáo tổng kết công tác thi đua trong 5 năm từ 2011-2015 chuẩn bị cho Đại hội thi đua yêu nước ngành Công thương lần thứ II có chỉ rõ: trong suốt 5 năm qua, khối lượng và chất lượng công tác thi đua ngành Công thương đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Đạt nhiều thành tựu kinh tế

Trong 5 năm qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp do ảnh hưởng sâu sắc của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và thiên tai, dịch bệnh trong nước, song ngành Công Thương vẫn duy trì phát triển lĩnh vực công nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao góp phần vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng khoảng 11,6%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2011-2015 ước tăng 18%/năm (cao hơn mức 12%/năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam và mục tiêu tại Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 14,4%/năm.

Nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn ở hầu hết các ngành đã được thực hiện và một số đã đi vào hoạt động, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, hạn chế việc tăng nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu.

Công nghiệp địa phương ở các vùng kinh tế trọng điểm được ổn định và tăng trưởng. Đặc biệt năm 2014, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, giá dầu thế giới giảm mạnh, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp cao hơn bình quân chung của cả nước (7,6%).

Công tác phát triển thị trường xuất nhập khẩu đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhờ các hoạt động hợp tác kinh tế của Chính phủ và chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, vừa mở ra thị trường mới, vừa khai thác tốt thị trường đang có,...

Về hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, từ việc tham gia vào các hợp tác khu vực như ASEAN, APEC, ASEM, đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), cho đến việc tham gia vào hợp tác đa phương... thể hiện sự chủ động và tích cực của ta trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện tốt năng quản lý Nhà nước

Trong quá trình triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành động như: Phân định rõ công tác quản lý nhà nước với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường sự chỉ đạo của Bộ để nâng cao hiệu quả trong xây dựng các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và các giải pháp lớn để phát triển các ngành năng lượng, công nghiệp mũi nhọn, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, ổn định và phát triển thị trường trong nước,…

Công tác xây dựng thể chế ngày càng hoàn thiện. Bộ đã trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, pháp lệnh quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước.

Công tác cải cách hành chính đã được đặc biệt quan tâm. Công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng được chú trọng đầu tư đúng mức,…

Thành công của ngành Công Thương trong gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI là đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, năng lực sản xuất không ngừng tăng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp được tăng cường. Có được kết quả trên, ngoài do sự lãnh đạo và chủ trương, chính sách của Đảng, còn là do sự điều hành năng động, sáng tạo và có hiệu quả của các doanh nghiệp đã tạo được sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn, hướng tới những mục tiêu phát triển ngành, phát triển doanh nghiệp.

Hoàng Hà