menu search
Đóng menu
Đóng

PVN nghiên cứu phương án đầu tư mỏ than ở nước ngoài

14:01 15/09/2015

Vinanet - Nhu cầu than cho điện của PVN chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng nhu cầu than cho điện của cả nước. Do đó, để đảm bảo nguồn cung lâu dài, đơn vị nhập khẩu than của Tập đoàn này nghiên cứu phương án đầu tư mỏ than ở nước ngoài.
Việc đảm bảo nguồn than ổn định, phương án vận chuyển và quản lý vận hành cho các nhà máy nhiệt điện của trong giai đoạn sắp tới là một khó khăn không nhỏ của Công ty Nhập khẩu và Phân phối than Điện lực Dầu khí (PV Power Coal) - đơn vị trực thuộc PVN.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, so với nhu cầu than cho điện của cả nước thì nhu cầu than cho điện tại Tập đoàn này chiếm cao nhất, khoảng 24% vào năm 2019 đến 2020. Nhu cầu than tại PVN dự kiến có xu hướng giảm trong giai đoạn 2020 - 2030 và chiếm khoảng 10% vào năm 2030.

Cụ thể, theo tính toán của PVN, nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện năm 2020 ở mức 16 triệu tấn, tăng lên mức khoảng 20 triệu tấn vào năm 2030. Trong số 5 nhà máy nhiệt điện than do PVN làm chủ đầu tư, có 2 nhà máy sử dụng nguồn than trong nước là Vũng Áng 1 và Thái Bình 2.

Ba nhà máy còn lại là Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Quảng Trạch 1 sử dụng nguồn than nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn. Trong khi, việc tổ chức vận chuyển và trung chuyển các nguồn than này từ phía nước ngoài về là quá trình khó khăn.

Tại PVN, Công ty PV Power Coal có nhiệm vụ nhập và phân phối than cho các nhà máy nhiệt điện trong Tập đoàn. Hiện nay, PV Power Coal đã ký kết 6 hợp đồng khung về cung cấp than dài hạn với các đối tác Australia và Indonesia. Khối lượng than cam kết khoảng 15 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, công ty này đã nghiên cứu, hợp tác ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với 1 số đối tác cung cấp nguồn than anthracite của Nga và Nam Phi, dự phòng trường hợp các nhà máy dùng than nội địa bị thiếu hụt nguồn than.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguồn than hiện nay mới chỉ là bước đệm nhằm tích lũy kinh nghiệm. Do đó, PV Power Coal đang xây dựng nhiều phương án khác nhau nhằm đẩy mạnh hợp tác nước ngoài để đảm bảo nguồn cung than cho nhiệt điện.

PVN cho biết, PV Power Coal có kế hoạch nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế chung về nhập khẩu than cho sản xuất điện, cơ chế giá mua bán điện với EVN của những nhà máy dùng than nhập khẩu. Đồng thời, PV Power Coal có kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp cùng đàm phán giá than với các nhà cung cấp lớn, hợp tác đầu tư mỏ than nước ngoài nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài.

Cũng theo PVN, PV Power Coal kiến nghị với Tập đoàn cho phép chủ động nghiên cứu, triển khai xây dựng phương án vận tải và chuyển tải than cho các nhà máy nhiệt điện như Long Phú 1 và Sông Hậu 1 để kịp tiến độ vận hành nhà máy. PV Power Coal cũng chủ động đàm phán hợp đồng mua bán than thương mại với đối tác nước ngoài trước 2 năm vận hành nhà máy, theo đúng thông lệ quốc tế.

Huyền Thương