Phát biểu tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ II diễn ra tại tỉnh Nam Định mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, sản xuất công nghiệp hiện nay của các tỉnh phía Bắc còn mang nặng tính gia công, số lượng DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn ít; công nghiệp hỗ trợ, phát triển ngành cơ khí, chế biến chế tạo, nhiều dự án lớn nhưng DN trong nước còn hạn chế, xuất khẩu chủ yếu tập trung các DN đa quốc gia.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng thương mại phát triển chậm chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế; Công tác chống buôn lậu hàng giả nhái, còn nhiều tồn tại; Trong công tác quản lý Nhà nước DN còn nhiều thủ tục Nhà nước còn chưa nhiều thuận lợi cho DN...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về kinh nghiệm trong công tác tăng cường liên kết hoạt động Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; công tác chuẩn bị và triển khai hỗ trợ giúp doanh nghiệp khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành; Thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn...
Ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Sở Công Thương Nam Định cho biết, năm 2014 và 9 tháng năm 2015, tình hình kinh tế, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát và chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp...
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2015, nhiều mặt hàng chủ yếu có sản lượng tăng. Trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao so với cùng kỳ như điện thoại di động và máy tính bảng, điện, sắt thép, thiếc, gỗ các loại. Đặc biệt, các mặt hàng thiếc 9 tháng đầu năm đạt 1,3 nghìn tấn, tăng 186% so với cùng kỳ năm 2014.
Đối với hoạt động thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2014 của toàn khu vực đạt 1.021,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2013. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của 28 tỉnh, thành phố đạt 67,45 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho hay, giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu 9 tháng của 28 tỉnh, thành phố phía Bắc đạt kết quả cao. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2015 cao hơn cả nước, góp phần hoàn thành mục tiêu Chính phủ, Quốc hội giao phó cho Bộ Công Thương năm 2015.
Ông Nguyễn Tiến Vỵ nhấn mạnh, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng thì cần phải làm tốt công tác quy hoạch vùng.
"Bởi có làm tốt quy hoạch tại từng địa phương phù hợp với điều kiện thực tế thì mới có thể phát triển kinh tế cũng như liên kết vùng, đồng thời cũng mới đạt được mục tiêu chung về phát triển kinh tế, xã hội", ông Vỵ khẳng định.
Liên quan đến đẩy mạnh, tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong khu vực trong thời gian tới, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc tăng cường liên kết các hoạt động Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực đóng một vai trò quan trọng.
"Việc triển khai hoạt động liên kết công thương giữa tỉnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng, lưu chuyển hàng hóa trên thị trường cả nước, các doanh nghiệp (DN) có cơ hội đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa", bà Lan nói.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo, thời gian tới ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố phía Bắc cần tập trung tái cơ cấu ngành, tập trung vào phát triển các lĩnh vực hàng hóa trọng điểm mà địa phương có lợi thế.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Vượng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh đẩy mạnh liên kết phát triển vùng, xúc tiến thương mại, đầu tư tốt hơn; đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; hỗ trợ mạnh mẽ hơn DN vừa nhỏ thông qua hoạt động khuyến công; phổ biến tuyên truyền các hiệp định thương mại tự do đã kí kết và sắp kí kết trong thời gian tới...
Kiều Linh