Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê An Hải - Phó Chánh Văn phòng phụ trách nhấn mạnh, cải cách hành chính là điều kiện và đòi hỏi mang tính lịch sử hiện nay để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu sắc hiện nay. Cải cách hành chính sẽ giúp sử dụng tối ưu nguồn lực nhà nước, quốc gia trong việc phát triển kinh tế; nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả trong việc ban hành, thực thi hệ thống cơ chế chính sách (con người và tư duy); tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế nói riêng và quốc gia nói chung... Trên tất cả, cải cách hành chính giúp xây dựng một nền hành chính, hệ thống bộ máy công vụ, công chức chuyên nghiệp, hiệu quả và hiệu lực.
Theo đó, Cải cách thủ tục hành chính gồm: (1) Cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp; (2) Cải cách thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, các cấp và trong nội bộ từng cơ quan hành chính nhà nước; (3) Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật; (4) Công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực và thích hợp; thực hiện thống nhất cách tính chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước; duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính...
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gồm: Tiến hành tổng rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; thực hiện thống nhất và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tập trung tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Hiện đại hóa hành chính: Hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động của Mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ trên Internet. hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên Mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ ở mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Song hành với việc đó, đồng thời cũng để tập trung vào các nội dung CCHC, Chính phủ ban hành và áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng theo TCVN. Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2008 nay là TCVN ISO 9001:2015 giúp hoàn thiện và hệ thống hóa quy trình xử lý công việc hợp lý, kiểm soát chặt chẽ quá trình giải quyết công việc trong cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tính minh bạch và xác định rõ vai trò, trách nhiệm đối với từng cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, thuận lợi các dịch vụ công; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, sử dụng như là một trong những công cụ quan trọng góp phần thực hiện cải cách hành chính (CCHC)…
Theo ông Lê An Hải, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008 và nay là ISO 9001:2015 thông qua việc thường xuyên điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo để hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành cho thiết thực, hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có những chỉ đạo điều hành sát sao các Bộ, ngành thông qua các Nghị quyết 01, 02 hàng năm, trong đó nhấn mạnh thực hiện công tác CCHC, chuẩn hóa việc thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ công chức và sử dụng tài chính công một cách có hiệu lực, hiệu quả.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trên, Bộ Công Thương đã đều đặn tổ chức tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức về ISO cho các cán bộ, công chức đầu mối về ISO của các đơn vị với mục tiêu giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức đầu mối công tác ISO của các đơn vị có điều kiện trang bị, cập nhật những thông tin, kiến thức, quy định mới để triển khai đảm bảo tiến độ, hiệu quả Kế hoạch xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại Bộ Công Thương.
Thực hiện Quyết định số 1885/QĐ-BCT ngày 27/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt nội dung và kinh phí thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2019, hôm nay, Văn phòng Bộ hôm nay chủ trì tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức về ISO năm 2019 cho các cán bộ, công chức đầu mối về ISO của các đơn vị.
Hội nghị được tổ chức với 04 Chuyên đề chính:
Chuyên đề 1: Nhận thức chung về hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001
Chuyên đề 2: Đào tạo, hướng dẫn xây dựng hệ thống văn bản theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015
Chuyên đề 3: Tổng quan và hướng dẫn đánh giá theo yêu cầu của Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015
Chuyên đề 4: Lập kế hoạch và thực hiện đánh giá nội bộ
Xen kẽ các chuyên đề là các bài tập thực hành để các học viên có thể nắm rõ hơn về các nội dung được đào tạo, tập huấn cũng như công việc cụ thể cần triển khai tại đơn vị trong thời gian tới.
Nguồn: Moit.gov.vn