menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường trong nước: Phát huy vai trò trụ đỡ nền kinh tế

08:50 12/05/2021

Dọc theo quá trình phát triển của ngành Công Thương, thị trường trong nước đã duy trì tăng trưởng ổn định, đóng góp của thương mại trong nước vào GDP ngày càng tăng, thương mại trong nước trở thành một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.
 
Khẳng định vai trò trong những giai đoạn khó khăn
Quá trình phát triển của thị trường trong nước được chia ra nhiều thời kỳ, gắn liền với những giai đoạn phát triển quan trọng của đất nước. Thời kỳ 1945-1954 là thời kỳ đầu tiên xây dựng chế độ kinh tế mới ở Việt Nam và là giai đoạn khó khăn nhất, gian khổ nhất vì vừa phải kháng chiến chống giặc, vừa phát triển kinh tế trong điều kiện nghèo nàn, thiếu thốn. Đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ này là nền kinh tế nông thôn, quy mô kinh tế rất thấp, tiềm lực yếu kém. GDP bình quân đầu người năm 1945 chỉ đạt 60 đồng, tương đương 35 USD. Đây cũng là giai đoạn nghiêm trọng nhất về lạm phát. Chỉ số giá bán lẻ bình quân năm trong giai đoạn 1945-1954 tăng khoảng 66%.
Bước vào thời kỳ 1955-1975, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) nhằm phấn đấu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của các ngành kinh tế quốc dân, trước hết là các ngành công nghiệp và nông nghiệp. Năm 1975, GDP bình quân đầu người đạt 232 đồng, tương đương 80 USD.
Thương nghiệp quốc doanh được nhà nước quan tâm và có sự phát triển nhanh chóng, làm nhiệm vụ hậu cần cho sản xuất và chiến đấu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội năm 1975 đạt 5.358,3 triệu đồng, gấp 7,8 lần năm 1955. Chỉ số giá bán lẻ giai đoạn 1955 -1975 mỗi năm tăng 4,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 66% của thời kỳ 1945-1954.
Chuyển sang thời kỳ 1976-1985, thực hiện hai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội là Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) và Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985), thời kỳ này, Nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh áp đặt từ trên xuống dưới. Các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Những năm đầu sau giải phóng, công tác phân phối lưu thông gặp rất nhiều khó khăn. Thương nghiệp quốc doanh tuy phát triển nhanh, nhưng còn yếu. Chưa có nhiều hàng hoá, kể cả hàng nông sản - thực phẩm và hàng công nghiệp tiêu dùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội bình quân thời kỳ này tăng 61,6%/năm. Kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực sản xuất hàng hóa trong nước còn hạn chế làm mất cân đối cung – cầu (thiếu hụt nguồn cung), đồng thời do bị tác động bởi việc cải cách tiền lương vào năm 1985, là những nguyên nhân dẫn đến chỉ số giá bán lẻ tăng rất cao, bình quân giai đoạn 1976-1985 chỉ số giá bán lẻ tăng 39,53%/năm.
Thời kỳ 1986-2006, nhận ra những bất cập của cơ chế kinh tế hiện hành, Nhà nước bắt đầu có một số thay đổi trong chính sách quản lý kinh tế. Trong thời kỳ này, nước ta đã thực hiện đường lối đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Qua 20 năm đổi mới, có thể đánh giá khái quát những thành tựu của thị trường nội địa như sau: Về cơ bản đã xoá bỏ cơ chế lưu thông cũ, chuyển sang cơ chế lưu thông mới, khắc phục tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, hình thành thị trường thống nhất khá ổn định và thông suốt trong cả nước; Hàng hoá cung ứng trên thị trường tăng trưởng với mức cao, trên 10%/năm, phong phú về quy cách chủng loại và chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và còn dư thừa để xuất khẩu, góp phần quan trọng giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân; Kiềm chế được lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức hợp lý đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng từ mức tăng 3 chữ số mỗi năm trong 3 năm, 1986-1988, hai chữ số mỗi năm trong thời kỳ 1989-1992 đã giảm xuống chỉ còn tăng một chữ số trong thời kỳ 1993-2000. So với tháng 12 năm trước, chỉ số giá tiêu dùng năm 1988 tăng 349,4%; năm 1992 tăng 17,5% và năm 2000 giảm 0,6%, năm 2006 tăng 6,6%. Đặc biệt, từ 1996 đến nay, không có các “cơn sốt” do quan hệ mất cân đối cung cầu gây ra ngay cả trong dịp lễ, tết hoặc lúc bị thiên tai.
Nắm bắt tốt cơ hội từ hội nhập
Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, giai đoạn 2006-2010 cho thấy sự bất ổn của kinh tế thế giới sau thời gian tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu năm 1970. Cuối năm 2009 và năm 2010, suy thoái có dấu hiệu chững lại ở một số nước, nhưng diễn biến vẫn phức tạp, ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển, kém phát triển. Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương đã vượt qua những thách thức, đạt được những thành tựu nổi bật. Thương mại trong nước đã bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu cho nền kinh tế, đưa hàng hóa tới vùng sâu, vùng xa.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ xã hội tăng qua các năm, năm 2010 đạt khoảng 1.677,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần năm 2006 (596 nghìn tỷ đồng). Kết cấu hạ tầng thương mại được củng cố, đặc biệt là sự phát triển khá nhanh của các loại hình phân phối hiện đại, với đa dạng loại hình kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý và nhượng quyền thương mại. Hoạt động thương mại nội địa có sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó, có cả thành phần nước ngoài.
Trong giai đoạn này, thị trường hàng hóa có nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chỉ số giá năm 2008 tăng ở mức cao 19,89% (so với tháng 12/2007) trong đó tập trung vào 6 tháng đầu năm giá cả hàng hoá tăng cao, hoạt động sản xuất và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do giá vật tư, hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, thời tiết xấu, dịch bệnh ảnh hưởng tưới nguồn cung lương thực, thực phẩm đẩy giá hàng hóa lên cao… Tuy nhiên, nhờ thực hiện nghiêm túc các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu trong nước đã được duy trì ổn định, giá hàng hóa bắt đầu giảm.
Trong năm 2009 và 2010, thị trường trong nước tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu nhằm góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau giai đoạn bị đình trệ do suy thoái kinh tế toàn cầu. Thị trường hàng hóa mở rộng và phát triển, hàng hóa dồi dào, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý (CPI năm 2009 tăng 6,25%, năm 2010 tăng 11,75% so với tháng 12 năm trước).
Khẳng định vai trò quan trọng trong kinh tế đất nước, trong những năm qua, thương mại nội địa tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Trong cơ cấu GDP cả nước, giá trị tăng thêm của thương mại trong nước (bao gồm bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) chiếm tỷ trọng ngày càng tăng qua các năm, từ 8% năm 2010 lên 10,1% năm 2015 và 11,2% năm 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm thương mại trong nước giai đoạn 2011-2019 đạt khoảng 8,8%. Điều này cho thấy thị trường trong nước đã và đang trở thành một động lực góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế; giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Tận dụng các lợi thế về quy mô dân số với thị trường gần 100 triệu dân, thị trường trong nước đã giữ vững được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội các năm ở mức hai con số, sức mua và quy mô thị trường ngày càng lớn. Thị trường trong nước giai đoạn 2010-2020 đã duy trì được mức tăng trưởng ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng đa dạng và không ngừng tăng lên của sản xuất và đời sống xã hội.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong gia đoạn này tăng từ 1.677,3 nghìn tỷ đồng năm 2010 lên 3.223,2 nghìn tỷ đồng năm 2015 và 4.930,8 nghìn tỷ đồng năm 2019, riêng năm 2020 do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên tăng trưởng chỉ ở mức 2,62%. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2011-2015 đạt 14%/năm; giai đoạn 2016-2019 đạt 11,2%/năm, tính chung cả giai đoạn 2011-2019 đạt 12,7%/năm. Nhìn chung giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cả nước trong cùng thời kỳ. Cùng với sự tăng trưởng tốt của quy mô thị trường nội địa, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu trong nước luôn được bảo đảm trong mọi thời kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường hàng hóa thiết yếu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 trong năm 2020 vừa qua.
Trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng. Năm 2011 là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất trong 10 năm gần đây (tăng 18,13%) do tác động của các biện pháp nhằm cứu trợ kinh tế trong khủng hoảng tài chính cuối năm 2009 và năm 2010 dẫn tới lạm phát gia tăng tại nhiều nước và Việt Nam. Tuy nhiên từ năm 2012 - 2015, cùng với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, kinh tế trong nước dần phục hồi, lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm và đạt mức tăng thấp nhất 0,6% trong năm 2015. Giai đoạn này nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào, giá hàng hóa thấp.
Trong giai đoạn 2016-2020, Chỉ số giá hàng hóa được kiểm soát nhờ thực hiện tốt, từ 2016 đến 2020 đều đạt được mục tiêu do Quốc hội đề ra. CPI bình quân giảm từ 4,74% năm 2016 xuống 3,54% năm 2018, tiếp tục giảm còn 2,79% trong năm 2019 và ở mức 3,23% trong năm 2020 (cách khá xa mức chỉ tiêu Quốc hội giao dưới 4%).
Công tác điều hành thị trường trong nước trong những năm vừa qua đã được thực hiện theo đúng các tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, theo dõi sát sao, hành động kịp thời để ứng phó với các biến động của thị trường. Nhờ đó, thị trường trong nước tiếp tục phát triển, đóng góp của thương mại trong nước vào GDP ngày càng tăng, thương mại trong nước trở thành một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, giá cả hàng hóa ổn định, góp phần vào thành công trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ. 

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc