Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới. Những kết quả đạt được trong chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Campuchia, hai nước láng giềng thân thiết có quan hệ truyền thống, hữu nghị, gắn bó lâu đời đối với Việt Nam. Chuyến thăm góp phần tăng cường sự gắn kết, hợp tác truyền thống, hiệu quả giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Trong vòng chưa đầy ba ngày thăm Lào và Campuchia, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chương trình hoạt động dày đặc với 32 hoạt động với các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, gặp gỡ với tất cả lãnh đạo cấp cao hai nước, thăm một số cơ sở kinh tế, gặp, nói chuyện với học sinh, sinh viên, cộng đồng bà con kiều bào tại hai nước. Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã tháp tùng Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tại Lào và Campuchia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm tới Lào, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã tháp tùng Chủ tịch nước tham dự Lễ đón chính thức do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào chủ trì; Hội đàm chính thức với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào; Chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai nước; Dự Lễ kích hoạt dự án Triển khai dự án hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân tại nước Cộng hòa DCND Lào; Hội kiến Thủ tướng Chính phủ Lào; Hội kiến Chủ tịch Quốc hội Lào; Thăm, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào… và nhiều hoạt động chính thức khác.
Lãnh đạo Cấp cao hai nước nhất trí cao về các biện pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần tạo động lực mới, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả Thỏa thuận Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 – 2025; đồng thời tiếp tục cùng nỗ lực xử lý dứt điểm vướng mắc để triển khai hiệu quả một số dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị định thư, Hiệp định, Kế hoạch hợp tác đã ký kết; phối hợp tìm ra các biện pháp mang tính đột phá để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế giữa hai nước nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng thương mại 10 – 15% trong năm 2024. Hai Bên đánh giá hợp tác kinh tế hai nước trong thời gian qua được quan tâm thúc đẩy, trong đó thương mại và đầu tư tiếp tục là điểm sáng; Việt Nam duy trì là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Lào. Đồng thời, hai bên cũng đã nỗ lực tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc một số dự án trọng điểm.
Tại Campuchia, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã tháp tùng Chủ tịch nước tham dự buổi Hội kiến Chủ tịch Quốc hội Campuchia; Đặt vòng hoa tại Đài Độc lập, Tượng đài cố Quốc vương Norodom Sihanouk, Đài Hữu nghị Việt Nam – Campuchia; Dự Lễ công bố khai trương đường bay Hà Nội – Phnom Penh – Hà Nội; Thăm Đại học Hoàng Gia Phnom Penh; Thăm, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, cộng đồng người Việt tại Campuchia…
Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Manet - ảnh TTXVN
Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Campuchia, hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước. Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Campuchia, riêng trong quý I/2024, kim ngạch thương mại hai nước chiếm 22,2% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Campuchia. Kim ngạch thương mại 5 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN.
Hai lãnh đạo nhất trí tiếp tục duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cấp thường xuyên ở tất cả các kênh, trong đó có kênh nghị viện; đẩy mạnh hợp tác và kết nối kinh tế, đặc biệt là kinh tế khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, cùng hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại 20 tỷ USD trong những năm tới.
Về kết nối hai nền kinh tế, hai bên nhất trí đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận đã ký như Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2025-2026. Hai bên nhất trí triển khai mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, quốc phòng - an ninh, hợp tác biên giới, nguồn lao động, giao lưu nhân dân. Hai bên nhất trí tích cực hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Đồng thời hoan ngênh các cơ quan liên quan của hai nước đã phối hợp chặt chẽ nhằm xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác, phát triển, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các tỉnh biên giới, phát triển kinh tế khu vực biên giới, đồng thời tạo điều kiện cho người dân đi lại, làm ăn, hàng hóa qua lại, thúc đẩy gia tăng hơn nữa kim ngạch thương mại trong thời gian tới.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương