menu search
Đóng menu
Đóng

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng dự Hội nghị hợp tác Ấn Độ - các nước CLMV lần thứ IV

10:18 03/03/2017

Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa giữa Ấn Độ và các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam (CLMV), Hội nghị hợp tác Ấn Độ - các nước CLMV lần thứ IV được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 28/02/2017 tại Jaipur, Ấn Độ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã dẫn đầu đoàn Bộ Công Thương Việt Nam tham dự Hội nghị. Về phía Việt Nam còn có sự tham gia của lãnh đạo của các tỉnh/thành phố Đồng Nai, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang, Bình Phước và hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ở nhiều lĩnh như dầu khí, nông sản, thủy hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ, vận tải, sản phẩm gia dụng, vật liệu xây dựng, v.v…
Chủ đề của Hội nghị lần này là “Hội nhập Kinh tế Ấn Độ - CLMV: Con đường hướng tới phát triển bền vững”, với nội dung thảo luận đi sâu vào các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, năng lượng giữa Ấn Độ và các nước CLMV.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã có bài phát biểu nhận định tổng quan về tình hình quan hệ kinh tế, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ cũng như đánh giá cao những nỗ lực của Ấn Độ trong việc chú trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các nước CLMV nói riêng và các nước khu vực ASEAN nói chung. Bàn về các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng như giữa các nước CLMV và Ấn Độ, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh việc khuyến khích doanh nghiệp hai bên tận dụng các ưu đãi về tiếp cận thị trường, phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN-Ấn Độ, hợp tác tiểu vùng Mekong-Ấn Độ, thúc đẩy việc triển khai thực hiện Hiệp định tự do thương mại về dịch vụ và đầu tư ASEAN-Ấn Độ,v.v… Ngoài ra, Ấn Độ cần hỗ trợ các nước CLMV trong việc CLMV phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải qua biên giới trong đó có hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không nhằm làm tăng hiệu quả của việc thành lập hành lang kinh tế trong khu vực, mang lại lợi ích cho cả các nước CLMV và Ấn Độ.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã có buổi làm việc với Bà Nirmala Seetharaman - Quốc Vụ Khanh Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ. Tại buổi gặp, hai Bên vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam – Ấn Độ đã phát triển khả quan trong thời gian qua và tin tưởng rằng quan hệ thương mại song phương của hai nước sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Thứ trưởng cho biết Việt Nam đã nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu dệt may và bông, sợi, vải từ Ấn Độ trong năm 2016. Việt Nam có nhu cầu lớn về nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam và Ấn Độ hoàn toàn có khả năng trở thành nguồn cung cấp chính cho Việt Nam với lợi thế giá cả cạnh tranh và chất lượng phù hợp.
Quốc vụ khanh Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ hoàn toàn nhất trí với những đánh giá của phía Việt Nam về những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dệt may giữa hai nước cũng như một số đề xuất về việc sớm triển khai gói tín dụng dệt may trị giá 300 triệu USD và dự án thành lập Khu công nghiệp dệt may Ấn Độ tại Việt Nam. Phía Ấn Độ sẵn sàng tạo điều kiện để thúc đẩy gói tính dụng 300 triệu USD và sẽ đề nghị Bộ Dệt may Ấn Độ xem xét nghiên cứu việc thành lập Kho Ngoại quan nguyên liệu Dệt may Ấn Độ tại Việt Nam. Đồng thời, sẽ phối hợp với phía Việt Nam để giải quyết các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, chống bán phá giá…

Trong thời gian qua, kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ vào tháng 7/2007 và sau khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ có hiệu lực từ năm 2010, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Ấn Độ đã có những chuyển biến rõ rệt. Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ năm 2016 đạt 5,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 2,69 tỷ USD với các mặt hàng chính là điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, cao su, hạt tiêu, hóa chất… và nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 2,71 tỷ USD chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như thủy sản, bông, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, dược phẩm, sắt thép các loại, v.v…
Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp giữa hai nước cũng không ngừng được củng cố và từng bước mở rộng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 tại Việt Nam cũng được Chính phủ Việt Nam đồng ý để TATA Power của Ấn Độ làm chủ đầu tư, với tổng giá trị dự án khoảng 1,8 tỷ USD, là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam tính đến nay. Nhiều ngành, lĩnh vực khác như khai khoáng, dệt may, da giày, hóa chất, chế biến nông sản và thực phẩm,… đều đã có những hoạt động hợp tác cụ thể, thiết thực.
Ấn Độ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 25 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 132 dự án, nếu không tính dự án Nhiệt điện Long Phú và các dự án thăm dò của ONGC thì tổng vốn đăng ký đạt 724 triệu USD trong năm 2016. Vốn FDI của Ấn Độ tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương