Ông Trường cho biết ngành thời trang thế giới sau 200 năm phát triển mới có trển 100 thương hiệu. Xây dựng thương hiệu và để thương hiệu đứng vững được trên thị trường cần rất nhiều yếu tố.
“Chúng tôi muốn trở thành nhà sản xuất trọn gói, cung ứng cho người tiêu dùng những mặt hàng chất lượng với mục tiêu kinh doanh, phát triển thương hiệu gồm ba phần chính: Thị phần (mở rộng cung cấp, nâng cao thị phần sản phẩm); Não phần (người tiêu dùng nhận thức tốt về sản phẩm, chất lượng và ưu tiên lựa chọn tiêu dùng) và Tâm phần (Ở trong tâm trí người tiêu dùng và được tin dùng đồng thời luôn có phản ứng lựa chọn hàng Việt khi có nhu cầu)”, ông Trường khẳng định.
Tổng Giám đốc Dệt may Việt Nam chia sẻ luôn mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng tốt nhất, xứng đáng giá trị, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
“Sau 6 năm, cuộc vận động đã tác động tốt đến não phần của người tiêu dùng, người tiêu dùng có nhận thức tốt và ưu tiên dùng hàng Việt. Tuy nhiên nhà sản xuất cũng cần sản xuất chất lượng tốt tương đương với giá trị mà người tiêu dùng bỏ ra để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài”, ông Trường nhấn mạnh.
Nâng tỷ lệ nội địa hóa
Định nghĩa thế nào là hàng Việt, cuộc tranh cãi giữa cơ quan chức năng, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp sản xuất về tiêu chí xác định hàng Việt đang nóng và chưa có hồi dứt.
Trả lời quan điểm về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường cho biết: “Trên thế giới có nhiều cách để xác định hàng hóa của một quốc gia, trong đó cách xác định phổ biến nhất là trên tỷ trọng nguyên liệu, nội địa hóa sản xuất sản phẩm. Quan điểm cá nhân tôi, Việt Nam xuất phát điểm rất thấp, còn nhập khẩu nhiều nguyên liệu để sản xuất hàng hóa nên không thể ngay một lúc áp dụng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất như các quốc gia mới là hàng Việt”.
Theo ông Trường, nhà sản xuất, nhà hoạch định luôn xác định đường đi để tỷ lệ nội địa của Việt Nam cao hơn. Ví dụ giai đoạn này, tỷ lệ 30% có thể được gọi là hàng Việt, nhưng 10 năm sau có thể 50% đến 60% nội địa hóa sản xuất trong nước mới được gọi là hàng Việt. Có như thế vừa khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng phong phú hơn, chất lượng hơn, vừa tạo áp lực nhà sản xuất làm thế nào để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.
Hải Yến