menu search
Đóng menu
Đóng

TPP thúc đẩy cải cách thể chế pháp lý về đầu tư

09:30 28/10/2016

Vinanet - Sáng 27/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Vương Quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Rà soát Pháp luật Việt Nam với các Cam kết TPP về Đầu tư”. Tham dự Hội thảo có các đại diện Văn phòng Chính phủ, các công ty luật, hiệp hội ngành hàng và nhiều doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập –VCCI, cho biết, tháng 2 năm nay, Việt Nam và 11 nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức ký kết TPP và hiện đang trong quá trình tiến hành các thủ tục phê chuẩn ở từng nước. Cùng với việc kết thúc đàm phán một loạt các hiệp định thương mại tự do lớn khác như EVFTA, AEC, VKFTA…, Việt Nam đã hội nhập kinh tế rất sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Trong các hiệp định thế hệ mới như TPP, EVFTA đều có các điều khoản về đầu tư vì các cam kết các bên đưa ra không chỉ dừng lại ở biên giới như thuế quan, hải quan, giấy phép xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại,… mà cả các cam kết đằng sau đường biên giới. Trong những cam kết đằng sau đường biên giới thì cam kết về đầu tư là yếu tố quan trọng nhất, có tác động mạnh nhất đến môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam. Việc xem xét, nghiên cứu, so sánh chi tiết chương Đầu tư trong TPP, đồng thời tiến hành rà soát Luật Đầu tư Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành từ đó cung cấp cho các cơ quan hữu quan Việt Nam các tham vấn tốt nhất về cải cách thể chế, đảm bảo pháp luật Việt Nam tuân thủ, phù hợp với TPP sẽ đóng góp quan trọng đến quá trình hoàn thiện mình, tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư hiểu rõ, sâu sắc các thuật ngữ phức tạp trong TPP, giúp họ tận dụng được các cơ hội, lợi thế mà TPP mang lại.
Theo ông Andrew Holt, Bí thư thứ nhất về Kinh tế và Chính trị - Đại sứ quán Vương Quốc Anh và Bắc Ireland, Anh quyết định tài trợ nghiên cứu này trong bối cảnh hoàn tất đàm phán TPP, EVFTA. Tự do hóa thương mại mang lại rất nhiều lợi ích cho các bên nên sự kiện Brexit không làm thay đổi cam kết của Anh đối với thúc đẩy tự do hóa thương mại. TPP - một FTA thế hệ mới - mang lại đà phát triển mới cho các nước thành viên nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho các nước thành viên. Hiệp định này có hàng nghìn trang, chủ yếu sử dụng ngôn ngữ học thuật nên để diễn giải được sang khung quy định không hề đơn giản. Trong tương lai, Đại sứ quán Anh và Bắc Ireland sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI góp phần thúc đẩy quá trình này để cộng đồng doanh nghiệp hiểu biết chi tiết hơn về TPP.
Trong TPP, đầu tư là chương thứ 9 trải dài trong 51 trang và phụ lục 1, 2 về các biện pháp không tương thích, ít hơn so với 61 trang của chương Đầu tư trong EVFTA, bao gồm một nhóm các nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyên tắc tối huệ quốc, nguyên tắc trưng mua trưng dụng, tước quyền sở hữu và bồi thường trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang hay bạo loạn, nguyên tắc chuyển tiền ra nước ngoài, nguyên tắc giải quyết tranh chấp giữa nước chủ nhà và nhà đầu tư,…Các nguyên tắc này sẽ tác động trực tiếp đến quá trình ban hành chính sách đầu tư của Việt nam. Việt Nam có thể ban hành mọi quy định nhưng không được vi phạm TPP. Chương Đầu tư trong EVFTA phức tạp hơn so với TPP vì EVFTA được đàm phán theo phương pháp chọn cho giống như đàm phán WTO, liệt kê những lĩnh vực được làm, còn lại là các lĩnh vực không được làm. TPP được đàm phán theo phương pháp chọn bỏ, liệt kê những lĩnh vực đầu tư không cho phép, còn lại đều cho phép. Chính vì vậy, mức độ cam kết của TPP rộng hơn EVFTA rất nhiều nhưng số lượng những quy định ít hơn.
Pháp luật Việt Nam (luật đầu tư, luật doanh nghiệp) hiện nay hoàn toàn tương thích với nguyên tắc đối xử quốc gia, không có quy định phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước trừ thủ tục đầu tư. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ quy định về các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, không có quy định phân biệt các nhà đầu tư đến từ các nước khác nhau. Việt Nam hiện quy định khá đầy đủ, bình đẳng về các quyền tố tụng và được đảm bảo bởi các cơ quan công quyền.
Một số nội dung, điều khoản và quan điểm thực thi pháp luật chưa có sự đồng nhất, dẫn tới việc cần phải có sự tập hợp nhiều ý kiến hơn nữa từ các cấp, ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất sửa đổi, điều chỉnh luật sao cho vừa đảm bảo tuân thủ các cam kết TPP, vừa góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nhưng đồng thời vẫn bảo vệ và cân bằng được lợi ích giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư TPP. Các nguyên tắc về mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản, với những nguyên tắc về yêu cầu hoạt động, quy định về nhân sự cấp cao... hầu hết đều có sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và cam kết TPP. Chỉ riêng cam kết về việc chuyển tài sản ra nước ngoài hay quy định về thủ tục tham vấn, hòa giải khi xảy ra tranh chấp thì pháp luật Việt Nam không có các quy định chi tiết như TPP.

Có thể thấy, TPP sẽ thúc đẩy cải cách thể chế pháp luật về đầu tư. Mục tiêu gần là điều chỉnh cho phù hợp với TPP khi hiệp định này có khả năng được thông qua trước năm 2018 nhưng mục tiêu cao hơn là thúc đẩy Việt Nam tự thay đổi các thể chế pháp luật này để phát triển mạnh hơn.

Nguồn: VITIC

Nguồn:Vinanet