menu search
Đóng menu
Đóng

Vận động dùng hàng Việt Nam không phải là “tự đóng cửa bảo nhau”

17:58 23/09/2015

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Lê Hùng

Vinanet - Hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hoá được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Hàng hóa của Samsung hay các doanh nghiệp FDI trên lãnh thổ Việt Nam được coi là hàng Việt Nam.

Chiều ngày 23/9, Bộ Công Thương tổ chức buổi họp báo thông tin về Chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam”. 

Trả lời câu hỏi hàng hóa của Samsung hay các doanh nghiệp FDI có được coi là hàng Việt Nam không? Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, tất cả các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI đều được coi là hàng Việt Nam.

Theo ông Quyền, hàng Việt Nam, hàng hóa thương hiệu Việt đã có định nghĩa chính thức tại Tài liệu tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) chủ trì biên soạn và phát hành vào tháng 11 năm 2012.

Cụ thể, hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hoá được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài.

Hàng hóa thương hiệu Việt là hàng hóa do các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.

 

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước. Ảnh: Lê Hùng

“Trong các luật đầu tư, luật doanh nghiệp, các tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, sản xuất lắp ráp cũng như dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam bởi người Việt thì được gọi là hàng Việt Nam. Theo đó, Samsung hay bất luận doanh nghiệp FDI nào, hợp tác xã hay công ty TNHH được thành lập hợp pháp ở Việt Nam, sản xuất ở Việt Nam thì là hàng Việt Nam”, ông Quyền khẳng định.

Liên quan đến câu hỏi “Các hội nghị kết nối cung cầu nằm trong khuôn khổ chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam đã có hiệu quả như thế nào?”

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, sau 6 năm triển khai cuộc vận động, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố kết hợp với Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu. Đến nay, hội nghị đã được tiến hành tại các khu vực, các địa phương và đã có hàng ngàn doanh nghiệp tham gia.

Qua các hội nghị kết nối, nhiều hợp đồng đã được thỏa thuận và được ký kết. Các ký kết này đều đã thực hiện thành công. Chẳng hạn như gà đồi Yên Thế, khi triển khai hội nghị kết nối cung cầu ở Bắc Giang cùng các tỉnh khu vực phía Bắc, gà Yên Thế đã vào được các siêu thị như Co.opmart, BigC và được lưu thông trên toàn quốc.

“Hội nghị kết nối cung cầu giúp các nhà sản xuất tiếp cận được với hệ thống phân phối lưu thông, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi vì các doanh nghiệp này bán hàng rất khó khăn”, Thứ trưởng Thoa khẳng định.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng, việc kết nối giữa nhà sản xuất với đơn vị phân phối, người tiêu dùng không phải là “tự đóng cửa bảo nhau” mà mang ý nghĩa giới thiệu các doanh nghiệp, hệ thống phân phội gặp gỡ nhau. Trong đó có cả các sản phẩm FDI sản xuất tại Việt Nam.

Khi Việt Nam hội nhập sâu, các Hiệp định Thương mại tự do được ký kết, rõ ràng mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp song cũng có nhiều thách thức. Tính đến thời điểm hiện tại, hàng hóa nước ngoài đã tràn vào thị trường trong nước, gây sức ép cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy đâu là giải pháp để các hệ thống phân phối, bán lẻ nâng cao năng lực cạnh tranh?

Trước vấn đề này, ông Võ Văn Quyền cho hay, thực tế, từ sau đại hội Đảng năm 1986, khi xác định đổi mới và hội nhập, mở cửa cho hàng hóa vào Việt Nam đã gây sức ép cho doanh nghiệp. Song, từ khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (2007), nhiều thương hiệu Việt đã bước ra thế giới. Ngược lại, cũng có sức ép trở lại doanh nghiệp buộc đổi mới không thể dừng lại.

Với vai trò chủ trì trong đàm phán mở cửa thị trường, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản, mở cửa từng phần và mở cửa có lộ trình, tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, vai trò của nhà nước là tạo khung pháp lý xây dựng các bộ luật để phù hợp, tạo môi trường cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập.

Ông Quyền cũng cho hay, về hỗ trợ trực tiếp, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng tổ chức đoàn đi các hội trợ quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều cách như truyền thông, chính sách, kết nối cung cầu, triển lãm, bán hàng về nông thôn, chính sách kết nối với doanh nghiệp nước ngoài tạo chuỗi giá trị gia tăng...

“Tất cả các yếu tố hỗ trợ đó tạo ra khả năng cạnh tranh để doanh nghiệp sẵn sàng đối đầu khi hội nhập quốc tế”, ông Quyền khẳng định.

Kết thúc buổi họp báo, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, doanh nghiệp chủ động tích cực tham gia hội nhập không chỉ chiến thắng trên sân nhà mà còn tích cực tìm kiếm cơ hội ở trường quốc tế.

Kiều Linh - Hải Yến