Khách mời tại Toạ đàm còn có ông Mai Sỹ Diến, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; ông Nguyễn Tài Sơn, Ủy viên phản biện, chuyên gia công trình thủy công - Hội đồng An toàn bậc thang thủy điện sông Đà; ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam; bà Nguyễn Lan Châu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Quốc Thắng nhấn mạnh, Tọa đàm “Vận hành thủy điện thích ứng với biến đổi khí hậu” hôm nay mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội có những thông điệp về vận hành thủy điện một cách chặt chẽ, phòng ngừa, thích ứng với những thay đổi bất thường từ khí hậu; sao cho thủy điện vừa đảm bảo an ninh năng lượng nhưng vẫn an toàn cho người dân. Tọa đàm không chỉ gửi thông tin đến các đại biểu Quốc hội, mà còn với cử tri, với người dân vùng thủy điện để họ an tâm.
Quá trình quản trị, vận hành thủy điện đang bám rất sát các quy định
Ông Phạm Trọng Thực – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (ATMT) cho biết, thủy điện là năng lượng tái tạo, và không mấy nước trên thế giới có nguồn sinh thủy và điều kiện tự nhiên như Việt Nam để phát triển loại năng lượng này.
Hiện nay, chúng ta có 429 nhà máy thủy điện đang vận hành, chiếm tới hơn 37% sản lượng điện hàng năm, đây là nguồn năng lượng quý.
Ông Phạm Trọng Thực – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
Trong quá trình quản lý, Bộ Công Thương tuân thủ quy định của văn bản pháp luật và thực hiện Nghị định 114/2018 NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Với 429 nhà máy thủy điện, các chủ đầu tư đang chấp hành tốt quy trình vận hành đã được phê duyệt.
Trong quá trình vận hành, còn có một số nhà máy vận hành chưa đúng quy định và đã bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình. Lãnh đạo Cục ATMT khẳng định, cho đến lúc này, quá trình quản trị, vận hành thủy điện đang bám rất sát các quy định.
Khẳng định vai trò của công tác vận hành hồ thuỷ điện, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, công tác vận hành hồ thủy điện hết sức quan trọng. Nếu chúng ta không làm tốt, nguy cơ mất an toàn đập là có. Theo dõi ở lưu vực sông Hồng, sông Đà thời gian qua, ông khẳng định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo rất tốt việc này. “Tôi theo dõi thông tin vừa qua và báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy việc vận hành các hồ đập thủy điện tuân thủ quy trình” – ông Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.
Phản hồi về thông tin có hay không việc thuỷ điện gây lũ lụt, bà Nguyễn Lan Châu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhấn mạnh: “Tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí khi đưa tin dự báo phải đưa cả tin lưu lượng đến hồ bao nhiêu, các hồ xả bao nhiêu, tránh gây hiểu nhầm lụt lội hoàn toàn là do các hồ xả lũ. Lưu lượng các hồ xả ra nhỏ hơn lưu lượng đến, nhưng cứ nói do các hồ xả là không đúng, khiến cho người dân hiểu nhầm lũ là do thủy điện”.
Nhiều khó khăn trong công tác dự báo
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình quản lý vận hành thủy điện, ông Phạm Trọng Thực nêu 6 vấn đề: Một là, về công tác dự báo, nếu có thông tin tốt, cập nhật tốt thì việc điều hành sẽ tốt. Hai là, công tác phối hợp giữa các bên để điều hành vận hành trong mùa lũ, mùa kiệt. Ba là, thủy điện thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, đường đi, thông tin liên lạc khó khăn. Bốn là, công tác báo cáo từ trung ương đến địa phương phải thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp để điều tiết phù hợp. Năm là, nhân lực quản lý vận hành (đôi khi địa phương không có chuyên gia, chuyên ngành về thủy điện để kiểm tra giám sát chủ đầu tư). Sáu là, khó khăn trong công tác tuyên truyền.
Đồng tình với khó khăn lớn liên quan đến công tác dự báo trong quá trình vận hành liên hồ chứa, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, nếu khắc phục được điều này, chúng ta sẽ rất chủ động, hiệu quả cung cấp điện, cấp thoát nước sẽ được tăng lên và các công tác bảo đảm an toàn cho vùng hạ du cũng sẽ được tăng lên.
Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam Hoàng Văn Thắng
Ông Hoàng Văn Thắng nhận định, có nhiều việc cần làm nhưng hai điều cơ bản nhất: một là dự báo, hai là năng lực đội ngũ chỉ đạo thì chúng ta mới vận hành tốt và giải được bài toán an toàn đập và bài toán kinh tế cấp điện – thoát nước. Để nâng cao chuyên môn của công tác lãnh đạo, các ban chỉ huy phòng chống thiên tai nên kết nối với các cơ quan khoa học ở cả 3 Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn … Họ sẽ dự báo và cập nhật dự báo ở tất cả các kênh trong nước và quốc tế và tính toán xem nên xả, xả bao nhiêu. Trên các sông nhỏ hơn chúng ta cũng nên kết nối với 2-3 cơ quan khoa học để xây dựng những kịch bản hợp lý nhất.
Về những khó khăn trong bối cảnh hiện nay, bà Nguyễn Lan Châu cho rằng, do tác động của biến đổi khí hậu, bão càng ngày càng nhiều, lũ hay lượng mưa lớn nhất cũng đạt ngưỡng cao. Vì vậy, công tác dự báo khó khăn, những chỉ số cực trị rất khó dự báo và không bao giờ dự báo được.
Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Nguyễn Lan Châu
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng dự báo, theo bà Nguyễn Lan Châu, các chủ hồ phải thiết lập mạng lưới quan trắc mưa ngay tại hồ của mình. “Như thủy điện Krông Năng (Phú Yên) có hơn mười mấy trạm đo mưa, nhờ đó dự báo chính xác hơn hẳn. Vì ở vùng hồ mưa bao nhiêu là vào hồ hết bấy nhiêu, nếu không có thông tin về quan trắc mưa thì sẽ rất khó dự báo” – bà Nguyễn Lan Châu lập luận.
Phát huy tối đa hiệu quả quản lý, vận hành thủy điện
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, qua thời gian thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội cho đến nay, diện tích chiếm đất của các dự án thủy điện nhỏ giảm rất nhiều.
Trước đây tính bình quân khoảng 5 – 7ha/MWh thì từ 2014 đến nay chỉ còn 1,9ha/MWh. Từ năm 2016 đến nay, tất cả các dự án thủy điện nhỏ mà bổ sung quy hoạch thì không có chiếm một mét nào đất rừng tự nhiên.
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Đỗ Đức Quân
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả quản lý, vận hành thủy điện thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục ATMT Phạm Trọng Thực khẳng định, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để giám sát vận hành và điều tiết hồ chứa, phòng chống bão lụt một cách toàn diện. Những vấn đề phát sinh sẽ được xử lý phù hợp để đáp ứng được diễn biến khí hậu cực đoan.
Mặt khác, phối hợp với Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn điều hành hồ chứa trong mùa lũ, mùa kiệt, bảo đảm an toàn cho hạ du, sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo sinh hoạt cho người dân, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Nghị định 114 về vận hành an toàn hồ đập thủy điện để chủ đầu tư, chính quyền địa phương hiểu được: phải quản lý hồ đập như thế nào, hàng năm phải kiểm tra những gì để bảo đảm đập được an toàn.
Đồng thời, phối hợp Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đập, hồ chứa thủy điện để hỗ trợ quản lý, vận hành hồ chứa.
Bên cạnh đó, ông Phạm Trọng Thực cho biết, Bộ Công Thương sẽ tăng cường yêu cầu chủ đầu tư đầu tư các trang thiết bị giám sát để có dữ liệu cập nhật và chuyển số liệu về cơ quan quản lý để giám sát.
Đối với chủ hồ, cần thực hiện nghiêm quy trình liên hồ và đơn hồ đã được phê duyệt để đảm bảo an toàn hồ đập cũng như an toàn cho hạ du.
Đối với địa phương, do thiên tai bất thường, không biết xảy ra lúc nào nên cần diễn tập phòng chống thiên tai thường xuyên. Nếu lơ là, lũ về chúng ta không có phương án thì sẽ rất khó khăn. Đồng thời, giải quyết dứt điểm hiện tượng vi phạm hành lang thoát lũ của công trình; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về vận hành theo quy định của pháp luật.
“Nếu kết hợp tốt, việc vận hành nhà máy thủy điện trong diễn biến thiên tai cực đoan sẽ giảm thiểu thiệt hại tốt hơn nữa” – Phó Cục trưởng Cục ATMT khẳng định.
Nguồn:Bài: Hồng Hạnh Ảnh: Daibieunhandan.vn / Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương