Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi thông tin về tình hình ngành dệt may của Việt Nam, sản xuất, xuất khẩu len của Australia cũng như hoạt động hỗ trợ của Hiệp hội len Australia cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua.
Trưởng đoàn Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương Phan Văn Bản cho biết ngành dệt may có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, với hơn 1,1 triệu lao động, giá trị xuất khẩu trong năm 2014 đạt 23 tỉ USD. Khoảng 60% nguyên liệu phụ trợ cho ngành dệt may phải nhập từ nước ngoài và công nghệ hỗ trợ cho ngành này còn chưa nhiều. Hiện Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng đầu tư nước ngoài như đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm thời gian tiếp cận dịch vụ…
Đại diện Hiệp hội len Australia, ông Rajesh Bahl, cho biết sản phẩm len lông cừu của Australia trong các sản phẩm dệt may hiện có mặt rộng khắp trên thị trường thế giới. Len của Australia hiện chiếm 22% sản phẩm len toàn cầu, riêng len mịn chiếm tới 90%. Hiệp hội muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong việc giới thiệu kiến thức về sản phẩm len tới người tiêu dùng và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về mặt kỹ thuật như công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…
Kể từ khi Hiệp hội bắt đầu thực hiện dự án ở Việt Nam từ tháng 6/2012 tới nay đã thu được nhiều kết quả ngoài mong đợi. Từ con số ban đầu 20 người thuộc một số công ty Việt Nam tham gia dự án, đến nay Hiệp hội đã có hơn 90 đối tác ở nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Lạt… Ông Bahl cho rằng ngành dệt may của Việt Nam có tiềm năng lớn và có nhiều thuận lợi, nhất là trong điều kiện hiện nay khi mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chuẩn bị hoàn tất và Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định Thương mại Tự do với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, đại diện Cục Công nghiệp địa phương Bộ Công thương Việt Nam và Hiệp hội Len Australia trao đổi về cách thức hoạt động, điều hành của Hiệp hội trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu len của Australia, kinh nghiệm có thể ứng dụng vào tình hình thực tế của Việt Nam cũng như tăng cường hiểu biết đôi bên, tạo thuận lợi cho thúc đẩy hợp tác.
Theo Sao Băng
TTXVN tại Sydney
Nguồn:Tin tức