menu search
Đóng menu
Đóng

"Việt Nam cũng có các sản phẩm đạt chất lượng toàn cầu"

10:55 05/10/2015

Vinanet - “Việt Nam có hàng chục doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa đạt chuẩn quốc tế, hàng nghìn doanh nghiệp đạt nhiều giải thưởng về thương hiệu, chất lượng quốc gia, hàng chất lượng cao…Tuy nhiên nhiều người tiêu dùng còn ít thông tin, tổ chức nhận diện hàng Việt là việc làm cần thiết”, bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương khẳng định.

Tại cuộc đối thoại diễn ra trong khuôn khổ lễ bế mạc Tuần nhận diện hàng Việt chủ đề “Tự hào hàng Việt Nam 2015” tối 4/10, bà Lê Việt Nga cho biết: Sau 6 năm triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chúng ta nhận thấy người tiêu dùng rất ủng hộ hàng Việt Nam, có tới 95% dân số quan tâm tới hàng Việt, 70% người tiêu dùng ưu tiên trong sử dụng hàng Việt.

“Tuy nhiên vẫn còn có một phần không nhỏ người tiêu dùng còn ít thông tin về hàng hóa Việt Nam. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp sản xuất ra được các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, quốc tế vượt qua rào cản kỹ thuật ở các quốc gia khó tính như EU, Mỹ. Tuần nhận diện hàng Việt là kênh quan trọng, chiến dịch quan trọng để kết nối thông tin giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa có chất lượng”, bà Nga khẳng định.

Theo bà Nga, qua tuần nhận diện hàng Việt Nam năm nay đã có những hội nghị kết nối cung cầu tốt, kết nối doanh nghiệp sản xuất với các nhà phân phối. Người tiêu dùng biết được Việt Nam có hàng chục doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng toàn cầu, cũng như biết được hàng ngàn doanh nghiệp đạt các danh hiệu thương hiệu Quốc gia, thương hiệu mạnh, chất lượng quốc gia sản phẩm chất lượng cao. Đây là ý nghĩa lớn nhất của tuần nhận diện hàng Việt.

Ở góc độ của nhà phân phối, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op đánh giá cao tác động của cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt đến với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ông Nhân chia sẻ: “Là một doanh nghiệp phân phối hàng Việt, từ ngày đầu thành lập chúng tôi đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt. Chúng tôi thấy số lượng người tiêu dùng tham gia các chương trình hàng Việt, đặc biệt chương trình Tự hào hàng Việt do siêu thị Co.op Mart ngày càng đông".

Theo ông Nhân, trước cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, mỗi ngày hệ thống Co.op Mart có khoảng 200.000 khách, nhưng sau cuộc vận động, có khoảng 400.000 lượt khách/ngày, điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng đến với hàng Việt.

Nguyễn Thành Nhân cho biết trách nhiệm của nhà phân phối là kết nối người tiêu dùng, lựa chọn giới thiệu người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, giá tốt đồng thời đẩy mạnh quảng bá giới thiệu hàng hóa đến với người dân ở mọi vùng miền, thông qua các gian hàng quảng bá, trưng bày, cửa hàng ở vùng sâu vùng xa, nông thôn, khu công nghiệp chế xuất.

Nhà phân phối cũng đặt ra yêu cầu nhà sản xuất phải thường xuyên đổi mới, sáng tạo, có cải tiến kỹ thuật, giảm chi phí để nâng cao cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm.

Trong khuôn khổ Tuần nhận diện hàng Việt Nam đã tổ chức được 2 hội chợ, 3 hội nghị kết nối cung cầu đem lại hiệu quả và chất lượng cao với hơn 1000 doanh nghiệp tham gia, hơn 100 hợp đồng được kí kết. Trong đó không chỉ kết nối doanh nghiệp với nhà phân phối trong nước mà còn kết nối với các nhà phân phối nước ngoài như Big C, Lotte, giới thiệu những nguồn hàng Việt Nam chất lượng nhất.

"Các doanh nghiệp bán hàng Việt đều có tăng trưởng tốt như Sài Gòn Co.op, lọt top 200 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á Thái Bình Dương. Nhờ có kết nối hàng Việt, bán hàng bình ổn đã giúp nhà bán lẻ đẩy mạnh, giảm chỉ số tăng giá thấp. Chúng tôi đã hộ trợ nhà bán lẻ tiếp cận nguồn hàng bán lẻ tốt nhất, chất lượng cao", bà Lê Việt Nga cho hay.

Hải Yến