Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 4/9, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã gặp Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak, thảo luận việc triển khai các biện pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là các dự án dầu khí tại Việt Nam và Liên bang Nga, đặc biệt là khả năng hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực dầu khí và cung ứng than, một số dự án nhiệt điện tại Việt Nam.
Hai bên bày tỏ hài lòng với kết quả đạt được thời gian vừa qua, đồng thời khẳng định hợp tác năng lượng trong thời gian tới tiếp tục là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong hợp tác kinh tế giữa Liên bang Nga với Việt Nam.
Tại cuộc gặp ngày 5/9 với Thống đốc vùng Primorye Vladimir Miklushevsky, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định quan hệ hai nước đang phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, song tiềm năng còn rất lớn, cụ thể là tiềm năng hợp tác với vùng Viễn Đông của Nga.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ghi nhận Chính phủ Nga đặc biệt quan tâm phát triển vùng Viễn Đông và Việt Nam có thể hợp tác với khu vực này trong các lĩnh vực như năng lượng, chế biến gỗ, dệt may, nông nghiệp cũng như xuất khẩu nông sản.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của cảng biển tự do Vladivostok trong việc thông thương hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam và ngược lại, đồng thời bày tỏ mong muốn chính quyền vùng Primorye sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào khu vực này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận Nga và Việt Nam chưa tận dụng hết các các tiềm năng hợp tác về thương mại và kinh tế. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã mời Thống đốc Miklushevsky và các doanh nhân Primorye tới thăm Việt Nam để thảo luận về triển vọng hợp tác.
Thống đốc Miklushevsky cảm ơn đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông, ông cho biết ngoài tài nguyên thiên nhiên phong phú, vùng Viễn Đông đã hình thành nhiều điều kiện phát triển ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho cả các nhà đầu tư Nga lẫn nước ngoài hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Ông Miklushevsky nêu rõ vùng Primorye quan tâm tới phát triển công nghiệp nhẹ, chế biến gỗ và nông nghiệp và mời Việt Nam tham gia các Khu kinh tế phát triển vượt trội (TOR) tại vùng này.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nga, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và cạnh tranh về đầu tư và thương mại trên thế giới ngày càng gay gắt thì với tiềm năng, lợi thế và những bước đi rất đúng đắn, Liên bang Nga tiếp tục khẳng định sẽ hợp tác có hiệu quả với các đối tác trên thế giới. Đây là thông điệp rất đáng chú ý với thế giới.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng làm việc với Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak. (Ảnh: Duy Trinh/Vietnam+)
Ngoài ra, phía Nga cũng nhân dịp tổ chức EEF giới thiệu về tiềm năng, khả năng hợp tác của vùng Viễn Đông rộng lớn, có diện tích tự nhiên hơn 6 triệu km2 với khoảng 6 triệu dân, tiềm năng rất lớn, khoáng sản rất nhiều, điều kiện vận tải đường thủy rất thuận lợi, rất gần với các nền kinh tế lớn trên thế giới và khu vực.
Đoàn Việt Nam, ngoài việc tham gia các hoạt động chính của Diễn đàn, cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với vùng Viễn Đông của Nga.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết phía Việt Nam đã có những thỏa thuận bước đầu với Chính phủ Nga cũng như chính quyền khu vực Viễn Đông, đó là tập trung nghiên cứu khả năng các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào những dự án trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sử dụng lao động, một số dự án góp phần cung cấp nguyên liệu trở lại cho sản xuất tại Việt Nam.
Đoàn Việt Nam đã có một số cuộc gặp rất đáng chú ý, quan trọng nhất là cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Đại diện của Tổng thống Nga tại Viễn Đông, và Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Viễn Đông.
Nội dung các cuộc trao đổi này đều xoanh quanh việc hiện thực hóa trong thời gian tới những mong muốn của chính phủ hai bên, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các dự án đầu tư theo chính sách ưu tiên đầu tư của Liên bang Nga và vùng Viễn Đông.
Tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần này, đoàn Việt Nam có số lượng đại biểu đông thứ 5, chỉ sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Theo TTXVN
Nguồn:TTXVN