Tập đoàn Besra Việt Nam sở hữu 2 Cty Vàng Phước Sơn và Cty Vàng Bồng Miêu, đang khai thác, chế biến vàng ở Quảng Nam và được ví như là mỏ vàng lớn nhất Đông Dương. Nhiều năm qua, đơn vị đã nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ Trung ương đến địa phương và khai thác được 7 tấn vàng thành phẩm. Song, không hiểu vì lý do gì lại nợ thuế Nhà nước, nợ tiền của doanh nghiệp, cá nhân khác với số lượng lớn không chịu trả, rồi đưa ra nhiều yêu sách phi lý không được chấp nhận nên tuyên bố dừng hoạt động…
UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn hướng giải quyết chuyện nợ thuế dây dưa, kéo dài; trong đó có việc cho phép 2 Cty này cam kết trả dần tiền nợ đọng thuế nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính để tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Nam quản lý thuế đối với 2 đơn vị trên, nhưng đến nay vẫn không thu được đồng thuế nào.
Lãnh đạo Cục Thuế Quảng Nam cho biết, trong tổng số tiền nợ thuế nêu trên thì Cty Vàng Phước Sơn nợ hơn 296 tỷ đồng, còn lại 87,8 tỷ đồng nợ của Cty Vàng Bồng Miêu. Lý do 2 Cty này không chịu nộp thuế là viện dẫn Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế và Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 9/1/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam, từ đó tự mình tính thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; nhằm điều chỉnh giảm khoản nợ tiền thuế của doanh nghiệp từ năm 2014 trở về trước. Tuy nhiên, Cục Thuế Quảng Nam khẳng định, các căn cứ trên không đúng quy định của pháp luật tại thời điểm này.
Mặt khác, theo quy định, 2 Cty phải xuất 100% sản lượng vàng khai thác ra nước ngoài để chế tác. Khi nghe tin sắp bị cưỡng chế bằng cách thông báo hóa đơn không còn giá trị, tháng 12/2014, Cty Vàng Bồng Miêu xuất hóa đơn bán vàng cho Cty TNHH MTV Vàng bạc Nghĩa Tín (TP Tam Kỳ) với tổng giá trị 107,4 tỷ đồng, nhưng không có hàng hóa kèm theo. Vụ việc bán khống số lượng vàng lớn ra ngoài được Cục Thuế Quảng Nam kiểm tra phát hiện và khẳng định hóa đơn mua bán không có giá trị. Hồ sơ vụ việc được chuyển cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Quảng Nam tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Chuyện nợ thuế, nợ tiền các tổ chức, cá nhân với giá trị lớn của Tập đoàn Besra Việt Nam những năm qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như làm nóng cuộc họp HĐND các cấp và các cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội tỉnh, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, trong đó 1 Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức phải từ chức vì lâm vào cảnh nợ nần do Cty Vàng Phước Sơn gây ra.
Thông thường, nếu doanh nghiệp nào chậm nộp tiền thuế hàng tháng sẽ bị xử phạt hành chính, nếu nợ thuế kéo dài sẽ bị khởi tố điều tra; nhưng tình trạng nợ thuế của Cty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu đến nay vẫn chưa bị xử lý gì. Trước thực tế trên, ngày 22/7, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xử lý dứt điểm tình trạng nợ thuế và các vấn đề phát sinh của 2 doanh nghiệp này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cty Vàng Phước Sơn còn nợ tiền của nhiều doanh nghiệp và cá nhân khác, như: Nợ Xí nghiệp Xây dựng Quảng Thắng (Phước Sơn) 18 tỷ đồng tiền thi công, nợ Khách sạn Khâm Đức hơn 4 tỷ đồng, Khách sạn Bé Châu Giang 1,6 tỷ đồng…
Ngoài ra, Cty này còn nợ doanh nghiệp cung ứng vật liệu nổ hàng chục tỷ đồng, nợ vốn vay của một chi nhánh ngân hàng ở Tam Kỳ gần 200 tỷ đồng…
Có vụ kiện đòi tiền nợ từng được tòa tuyên xử, hoặc Cục Thuế áp dụng biện pháp kê biên tài sản để thu hồi nợ thuế. Tuy nhiên, khi xây dựng phương án cưỡng chế thì gặp cảnh mỏ vàng “vườn không nhà trống”, vì hầu hết tài sản, thiết bị máy móc phục vụ khai thác vàng chủ yếu là thuê bên ngoài và đã được rút ra khỏi hiện trường.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn than thở: “Mang tiếng là địa phương có mỏ vàng và được hưởng lợi nhiều nhất, nhưng ngược lại phải gánh chịu nhiều hậu quả bất an về an ninh, trật tự, ảnh hưởng môi trường, an toàn giao thông… Cty Vàng Phước Sơn cam kết mỗi năm hỗ trợ cho huyện 4 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng 3 năm nay ngân sách không thu được đồng nào, buộc huyện phải cân đối từ các nguồn khác để trả nợ xây dựng cơ bản. Cứ hàng quý hoặc nửa năm là huyện phải lên tỉnh xin ứng nguồn ngân sách về trang trải hoạt động, trả lương cho cán bộ, nhân viên…”.
Tại cuộc họp do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức mới đây để bàn cách thu hồi nợ đọng thuế và tạo điều kiện cho 2 Cty hoạt động trở lại, nhưng gần cuối buổi họp, phía Tập đoàn Besra (đơn vị sở hữu 2 Cty khai thác vàng) đề nghị tỉnh tiếp tục cho gia hạn trả nợ tiền thuế thời gian qua trong vòng 5 năm tới, để khai thác vàng mới nộp dần tiền thuế….
Đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương có chế tài xử lý nghiêm túc việc chây ỳ nộp thuế, nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng thuế tràn lan như hiện nay và đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về thuế đối với Nhà nước.
Theo Ngọc Phó
Báo Thanh tra
Nguồn:Báo Thanh tra