menu search
Đóng menu
Đóng

Bốc hơi gần 6 tỷ USD vốn hóa, GAS có“chống” nổi đà suy giảm giá dầu?

07:34 17/08/2015

HVS Việt Nam cho rằng, giá dầu ít nhiều làm doanh thu và lãi gộp của GAS giảm sút. Nhưng sự giảm sút này là không tương đương với sự sụt giảm giá dầu.
Với mô hình kinh doanh gần như là cho thuê đường ống và thu phí vận chuyển khí đã tạo ra tính ổn định và bền vững cho GAS

"Bốc hơi" gần 6 tỷ USD vốn hóa trong vòng vài tháng

Ngày 14/08, giá dầu rơi xuống mức 42,5USD/thùng, chính thức mất hơn 60% so với mức cao trong năm 2014. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các tổ chức tài chính quốc tế cho rằng giá dầu có thể chạm mốc 30USD/thùng trong vài tháng tới.
Kể từ khi giá dầu giảm mạnh, giá cổ phiếu của Công ty đã từng có mức vốn hóa lớn nhất thị trường cũng giảm mạnh. Giá cổ phiếu của Tổng Công Ty Khí Việt Nam (mã GAS) chạm mức thấp nhất trong vòng 02 năm là 52.500 đồng/cp vào ngày 14/08/2015. Tính từ mức giá đỉnh là 121.300 đồng/CP, GAS đã mất hơn gần 57% giá trị, tương đương “bốc hơi” gần 6 tỷ USD.

 
HVS Việt Nam trong báo cáo mới nhất về GAS cho rằng, quan ngại giá dầu giảm sâu sẽ làm cho GAS gặp nhiều khó khăn khiến nhà đầu tư hoảng loạn được xem là nguyên nhân quan trọng nhấn chìm cổ phiếu GAS và làm nó bốc hơi gần 6 tỷ USD vốn hóa chỉ trong vòng vài tháng.

Giá dầu giảm hơn 59%, lợi nhuận GAS giảm 18%
Quý II/2015, doanh thu của toàn Tập đoàn giảm 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 20%, đạt 2.677 tỷ đồng, EPS đạt 1.325 đồng/CP. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu của Tập đoàn đạt 31.309 tỷ đồng, giảm 10%; lợi nhuận sau thuế đạt 5.337 tỷ đồng, giảm 18% so với 6 tháng đầu năm 2014. EPS 6 tháng đạt 2.680 đồng/cp.
Trong các giải trình về kết quả kinh doanh 2 quý liên tiếp vừa qua, GAS cho biết doanh thu và lợi nhuận giảm chủ yếu do giá khí giảm, còn lại các hoạt động kinh doanh khác đều diễn ra bình thường. Thực tế cho thấy, dù giá dầu đã giảm hơn 59% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận của GAS không giảm tương ứng, chỉ giảm khoảng 18%, trong khi đó giá cổ phiếu đã giảm hơn 45%.
Mô hình kinh doanh quyết định tính ổn định và bền vững cho GAS

HVS Việt Nam cho rằng, giá dầu ít nhiều làm cho doanh thu và lãi gộp của GAS giảm sút. Tuy nhiên sự giảm sút này là không tương đương với sự sụt giảm giá dầu. Với mô hình kinh doanh gần như là cho thuê đường ống và thu phí vận chuyển khí, điều này tạo ra tính ổn định và bền vững cho GAS.

Với sự sụt giảm giá dầu mạnh trong năm 2015, doanh thu và lãi gộp của GAS có thể sẽ bị suy giảm ở mảng kinh doanh LPG và khí ở bể Cửu Long khi cung cấp cho các khách hàng đạm và khí áp thấp.

Cơ cấu doanh thu năm 2014 cho thấy doanh thu bán khí khô và LPG chiếm hơn 90% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn. Trong khi đó lãi gộp đến từ mảng kinh doanh khí khô chiếm 69% lợi nhuận, LPG chiếm 16% và vận chuyển khí chiếm đến 13%.

 

Theo đánh giá của HVS Việt Nam, LPG có mối liên kết chặt chẽ với giá dầu nên khi giá dầu sụt giảm, giá LPG sẽ giảm qua đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của GAS. Tuy nhiên, lợi nhuận biên mảng LPG khá ổn định từ 10-14% sẽ giúp cho GAS giảm bớt sự phụ thuộc vào giá dầu. Uớc tính nếu lợi nhuận gộp của mảng LPG giảm 50% sẽ làm lãi gộp toàn tập đoàn giảm khoảng 8%.
GAS là nhà phân phối khí duy nhất tại Việt Nam, mua khí trực tiếp từ các chủ mỏ và bán lại cho các nhà máy điện, đạm và hộ công nghiệp. Hiện tại, GAS phân phối khí 3 bể khí Cửu Long, Nam Côn Sơn và PM3. Khách hàng chính của GAS chủ yếu là các nhà máy điện, chiếm hơn 83% mức tiêu thụ khí khô, còn lại là nhà máy đạm, chiếm khoảng 11%, và khác hàng khác chiếm 6%.
Theo nghiên cứu của HVS Việt Nam, trong các bể khí của GAS chỉ có bể khí Cửu Long có lợi nhuận cao từ việc bán khí còn các bể còn lại gần như mua giá nào bán giá đó.Do vậy, với bể khí Nam Côn Sơn và PM3, lợi nhuận của GAS có được là từ phí vận chuyển khí khi bán khí từ các bể này. Do đó, có thể nói lợi nhuận đem lại cho GAS chính là từ mảng vận chuyển khí này.
Hơn nữa, giá bán khí cho các khách hàng điện (chiếm 83% doanh thu) là được ấn định lâu dài và thay đổi theo lộ trình. Do đó gần như doanh thu khí khô của GAS chỉ phụ thuộc vào sản lượng sản xuất khí mỗi năm và phí vận chuyển khí tăng dần theo thời gian.
Riêng đối với khách hàng là các nhà máy sản xuất đạm và khí áp thấp, giá khí được thả nổi, tuy nhiên, hai nhóm khách hàng chỉ chuyến khoảng 17% doanh thu khí khô.
Vì vậy, doanh thu khí khô của GAS có thể bị ảnh hưởng bởi giá dầu sụt giảm chính là khoản doanh thu bán khí cho các nhà máy đạm và khí áp thấp từ bể Cửu Long. HVS Việt Nam cho rằng việc giá dầu sụt giảm không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu và lợi nhuận từ khí khô. Doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất khí khô phụ thuộc lớn vào sản lượng khí sản xuất được và nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Thay lời kết, mô hình kinh doanh gần như là cho thuê đường ống và thu phí vận chuyển khí, điều này tạo ra tính ổn định và bền vững cho GAS. Bởi giá dầu ít nhiều làm doanh thu và lãi gộp của GAS giảm sút nhưng không tương đương với sự sụt giảm giá dầu.

Năm 2014, do GAS được hưởng chênh lệch khí từ năm 2009-2013, tạo ra phần lợi nhuận gộp khoảng 3.800 tỷ đồng thì năm 2015, khoản lợi nhuận này sẽ không còn. Nếu loại trừ mảng lợi nhuận gộp này và sự tác động của giá dầu, HVS Việt Nam cho rằng lãi gộp của GAS sẽ giảm khoảng 25%, đạt mức khoảng 15.000 tỷ đồng cả năm 2015.

Theo Hồng Quân
Bizlive

Nguồn:Bizlive