Theo kế hoạch, thương vụ chuyển nhượng toàn bộ hệ thống kinh doanh Cash & Carry ở Việt Nam của Tập đoàn Metro (Đức) cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan dự kiến sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm nay nhưng đến nay cơ quan quản lý vẫn chưa thấy hồ sơ của nhà đầu tư.
Việc chuyển nhượng toàn bộ hệ thống kinh doanh Cash & Carry và danh mục bất động sản ở Việt Nam của Tập đoàn Metro cho BJC đã được Metro công bố hồi tháng 8-2014 nhưng trao đổi với TBKTSG Online vào thứ Sáu vừa qua cơ quan quản lý vẫn chưa nhận được hồ sơ vụ chuyển nhượng.
Metro Việt Nam hoạt động ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, nhưng trụ sở chính đặt tại TPHCM và theo nguyên tắc nếu Metro chuyển nhượng cho đối tác Thái Lan BJC thì hồ sơ xin chuyển nhượng phải nộp lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM để đơn vị này thẩm định và trình lên các bộ ngành xem xét trước khi có quyết định điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Trong khi đó, nguồn tin từ phía Metro Việt Nam ngay từ đầu cho hay là thương vụ này do lãnh đạo hai tập đoàn Metro ở (Đức) và BJC (Thái) đàm phán với nhau; Metro Việt Nam chỉ là công ty thành viên thừa hành; do đó mọi thông tin liên quan đến thương vụ này phải do phía Metro Đức công bố chính thức.
Tuy nhiên người này cho rằng việc kinh doanh tại các trung tâm Cash & Carry trên khắp các tỉnh thành hiện vẫn chưa có gì thay đổi về nhân sự và hàng hóa. Hàng hóa kinh doanh tại hệ thống vẫn hơn 90% là của Việt Nam sản xuất...
Mọi thông tin về tiến độ của thương vụ chuyển nhượng giữa hai tập đoàn này hiện vẫn chưa được công bố chính thức. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng sự chậm trễ so với kế hoạch đã được tiết lộ cho báo chí trước đây có thể xuất phát từ phía cổ đông của BJC hồi đầu năm nay đã đồng lòng phản đối thương vụ mua lại hệ thống kinh doanh Metro ở Việt Nam với giá 655 triệu euro (tương đương chừng 875 triệu đô-la Mỹ - quy đổi ở thời điểm đó).
Cụ thể, theo Bangkok Post tại đại hội cổ đông của BJC diễn ra ngày 9-1-2015, các cổ đông của BJC lo ngại rằng, nếu tiếp tục theo đuổi vụ mua lại Metro với giá 25 tỉ baht Thái (655 triệu euro) tập đoàn BJC có nguy cơ đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về tài chính và pháp lý.
Ngay sau đó, Công ty Thailand's TCC Holding - cổ đông lớn nhất của BJC cho biết sẽ tham gia đàm phán với tập đoàn Metro về các điều kiện liên quan đến thương vụ mua lại Metro Việt Nam. Theo đó, TCC sẽ tự mua Metro Việt Nam nếu cổ đông BJC vẫn tiếp tục phản đối thương vụ sau khi đã thương lượng lại.
TCC Holding là công ty do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi kiểm soát. Công ty này ở thời điểm đầu năm nay nắm 73,7% cổ phần tại BJC nhưng thương vụ mua lại Metro Việt Nam chỉ được chấp thuận nếu đáp ứng điều kiện có 75% cổ đông BJC thông qua.
Giới phân tích nhận định, với quyết tâm xâm nhập sâu thị trường bán lẻ Việt Nam, có khả năng TCC sẽ không dễ dàng thoái lui với việc mua lại hệ thống Cash & Carry rộng khắp Việt Nam.
Trước đó, lãnh đạo tập đoàn BJC Thái Lan cho biết mức giá 655 triệu euro được BJC và Metro đồng thuận sau hơn một năm đàm phán với sự hỗ trợ của Công ty tư vấn Lazard của Mỹ. Và theo người này “655 triệu euro là con số hợp lý, không đắt hay rẻ”.
Giải thích về việc bỏ ra số tiền lớn kỷ lục để mua lại Metro, BJC cho rằng nguyên nhân chủ yếu là tập đoàn thấy được tiềm năng trong việc phân phối các sản phẩm và dịch vụ tai Việt Nam và Metro là thời cơ tốt. Metro có nền tảng và cơ cấu phù hợp với BJC, giúp công ty phát triển nhanh hơn là đầu tư mới. Gần 4.000 nhân viên người Việt Nam có kỹ năng, trình độ giỏi của Metro cũng là nhân tố quan trọng, giúp BJC quyết định đầu tư vào Metro.
Trong khi thương vụ này chưa thấy hồi kết thì vào nửa cuối tháng 4 rồi, Công ty Metro Cash & Carry (Metro) Việt Nam bị cơ quan quản lý thuế Việt Nam buộc phải điều chỉnh giảm lỗ hơn 500 tỉ đồng, truy thu nộp vào ngân sách nhà nước 62 tỉ đồng.
Động thái truy thu thuế này của cơ quan nhà nước được cho là có liên quan đến thông tin Metro Việt Nam sắp bán cho BJC để rời khỏi Việt Nam. Trong khi đó, trong suốt nhiều năm hoạt động Metro ở Việt Nam luôn báo cáo thua lỗ, chưa từng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp...
Metro được xem là một trong những trường hợp đặc biệt ở Việt Nam. Tập đoàn này đã khởi sự kinh doanh khi Việt Nam chưa chính thức mở cửa thị trường phân phối cho nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Để được phép mở đến 8 trung tâm ở các thành phố lớn của Việt Nam, Metro đã đăng ký mở chuỗi siêu thị bán sỉ, cam kết không cạnh tranh trực tiếp với nhà bán lẻ trong nước và mang lại nhiều sự hỗ trợ cho các nhà cung cấp địa phương. Trên thực tế, hệ thống bán sỉ này cũng ngấm ngầm bán lẻ.
Việc kinh doanh thuận lợi, Metro tiếp tục mở rộng ra nhiều tỉnh, thành và tới nay đã có 19 trung tâm phân phối trên cả nước, hai trung tâm trung chuyển hàng rau quả và cá tươi, tất cả đều dưới hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài - điều mà chưa có nhà phân phối nước ngoài nào khác làm được, nhất là các nhà bán lẻ bị “vướng” quy định về thẩm định nhu cầu kinh tế khu vực (ENT) đối với việc mở trung tâm bán lẻ thứ hai.
Hầu hết các trung tâm phân phối của Metro ở Việt Nam có vị trí ở các cửa ngõ ra vào các thành phố lớn, có quy mô lớn, hiện đại và đồng nhất. Đó là niềm ao ước của bất kỳ một nhà phân phối nào. Chính vì vậy mà BJC đã sẵn sàng bỏ ra đến 655 triệu euro (875 triệu đô-la Mỹ) để thâu tóm hệ thống kinh doanh của Metro tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến trái chiều về thương vụ mua bán-sáp nhập trong lĩnh vực phân phối có giá trị lớn nhất Việt Nam hiện nay này, trong đó xoay quanh việc Metro sẽ mang về một khoản lợi nhuận khổng lồ khi bán cho BJC.
Cụ thể ngay khi thông tin bán hệ thống kinh doanh ở Việt Nam của Metro được công bố, hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin am hiểu về thương vụ này để đưa ra nhận định, việc chuyển nhượng sẽ giúp tăng lợi nhuận của Metro trước lãi vay và thuế (EBIT) trong năm tài chính 2014/15 khoảng 400 triệu euro.
Nguồn:TBKTSG