Thời gian Tuấn Lộc liên tục mua cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu (trước khi bán ra, tổ chức này đã là cổ đông lớn thứ 2 của CII với tỷ lệ sở hữu lên tới 12,5%), cổ phiếu CII giao dịch nhộn nhịp và tăng trưởng ấn tượng, nhiều phiên trở thành hiện tượng trên sàn giao dịch.
Theo tính toán sơ bộ, số tiền mà Tuấn Lôc "lãi" từ việc nắm giữ cổ phiếu CII trong thời gian tăng nóng ở vào khoảng 70 tỷ đồng. Đó là khoản lợi nhuận đáng mơ ước của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Việc một tổ chức như Tuấn Lộc thay vì đầu tư dài hạn. đã "lướt sóng" cổ phiếu CII trong một thời gian tương đối chóng vánh, gây rất nhiều hoài nghi cho Nhà đầu tư. Trong 3 phiên liên tiếp, tổ chức này liên tục bán ra khối lượng lớn cổ phiếu CII, và công bố thông tin giao dịch sau khi gần như hoàn tất thoái vốn. Theo quy định, cổ đông lớn chỉ phải công bố thông tin khi tỷ lệ sở hữu thay đổi trong "bước" 1%, chứ không cần đăng ký mua/bán trước giao dịch.
Tuấn Lộc, cho đến bây giờ vẫn chưa có đại diện nào tại CII.
Tuấn Lộc đã từng bị nghi ngờ có khả năng thâu tóm CII
Là một doanh nghiệp chưa niêm yết, nhưng Tuấn Lộc cái tên không quá xa lạ. Đây là một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ lên tới 1.600 tỷ đồng, do 4 cá nhân sở hữu. Công ty này đã hoàn tất việc mua 35% cổ phần Cienco 4 từ Bộ giao thông vận tải, nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty này lên 51,5% và trở thành cổ đông chi phối. Cienco 4 cũng đang là nhà thầu xây dựng nhiều dự án hạ tầng lớn như cảng Lạch Huyện, cao tốc Hà Nội –Hải Phòng, cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu, cầu Bông và cầu Hậu Giang, mở rộng QL 1A đoạn Tp. Hà Tĩnh - Kỳ Anh,…
Ông Trần Tuấn Lộc đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tuấn Lộc và Cienco 4.
Hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, việc Tuấn Lộc liên tục tăng tỷ lệ sở hữu tại CII khiến người ta dễ nghĩ đến kịch bản thâu tóm, sau khi đại gia này đã tiến hành với Cienco 4. Khác với Cienco 4, CII không có cổ đông chi phối. Cổ đông lớn của CII chỉ nắm giữ không quá 13% cổ phần công ty. Việc thâu tóm CII thông qua mua trên sàn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Về phía CII khẳng định, công ty chưa nhận bất kỳ đề nghị thâu tóm nào từ Tuấn Lộc, mà chỉ nhận từ các đối tác khác.
Sau khi ông Lê Quốc Bình – Tổng giám đốc CII tuyên bố mua vào 15 triệu cổ phiếu CII, không ít nhà đầu tư cho rằng đang có một cuộc đua mua vào cổ phiếu công ty này. Và cũng nhiều nhà đầu tư bị cuốn theo cơn lốc đó, với mong muốn có thể nhanh chóng kiếm được một khoản lời nho nhỏ.
"Cổ phiếu CII không dễ để lướt sóng"?
Đó là khẳng định của ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc CII trong cuộc gặp gỡ Nhà đầu tư đầu tháng 7 vừa qua. Cũng trong buổi gặp gỡ này, ông Bình đồng thời “khuyên” nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu CII trong ít nhất 1 năm, và “kiểu gì cũng có lãi”. Đó cũng là suy nghĩ của cá nhân ông khi mua vào 15 triệu cổ phiếu công ty này.
Thế mà Tuấn Lộc lại “lướt sóng” cổ phiếu CII!
Sau khi cổ đông lớn này rút lui, biến động giá cổ phiếu CII sẽ hết sức khó lường. Đại diện CII cho biết hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường với tình hình tương đối khả quan. Và vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng và bình tĩnh trong việc đánh giá thông tin.
Đến bây giờ, việc Tuấn Lộc thoái gần hết vốn tại CII đã xảy ra. Và điều mà nhà đầu tư quan tâm là liệu có đại gia nào thế chân Tuấn Lộc tiếp tục bước vào cuộc chơi với cổ phiếu CII?
Nguồn:Trí thức trẻ