menu search
Đóng menu
Đóng

Đằng sau thương vụ chưa từng có tiền lệ của Đức Long Gia Lai

16:58 02/06/2015

Chốt giá hoán đổi 12.500 đồng, cổ đông của DLG được lợi như thế nào? Tại sao tỷ lệ hoán đổi là 1:1,43? Một hình thức đầu tư "hai trong một"? Đức Long liệu có xuôi chèo mát mái với sân chơi mới?
Ngày 26/05/2015, CTCP Đức Long Gia Lai (mã: DLG) thông báo đã được cấp giấy phép phát hành cổ phiếu để hoán đổi nhằm mua lại Công ty Mass Noble Investments Limited của Mỹ.

Nhanh tay chốt deal, cổ đông DLG được lợi


Thương vụ này thoạt đầu nghe khá phức tạp.

Theo hợp đồng hoán đổi cổ phiếu giữa Đức Long Gia Lai và 3 cổ đông của Mass Noble, công ty Mass Noble sẽ phát hành 14.570.962 cổ phần thưởng cho cổ đông hiện hữu để nâng số cổ phần lên 29.141.924 đơn vị (tương đương với việc chia tách cổ phiếu làm đôi). Sau đó, Đức Long Gia Lai sẽ mua 28.501.107 cổ phần của công ty này với giá hơn 11,7 triệu USD tương đương 0,41 USD/cp và sở hữu 97,73% Mass Noble.

Việc “mua cổ phần” được thực hiện không bằng tiền mặt mà bằng hình thức hoán đổi cổ phần. DLG sẽ phát hành 19.932.609 cổ phiếu cho 3 cổ đông của Công ty Mass Noble để đổi lấy 28,5 triệu cp Mass Noble nói trên, tức tỷ lệ hoán đổi: 1:1,43 (1 cổ phiếu DLG đổi 1,43 cổ phiếu Mass Noble). Giá hoán đổi của DLG được chốt ở mức giá 12.500 đồng/CP.

Ông Mạc Quang Huy – Tổng giám đốc của CTCK Maritime Bank (MSBS) – đơn vị tư vấn thương vụ này cho biết, sở dĩ Mass Noble phải thực hiện thêm một bước chia tách cổ phiếu như trên là vì ban đầu, công ty có 14.570.962 cổ phần với mệnh giá 1 USD. Trong khi đó, mệnh giá 1 cổ phần theo quy định tại Việt Nam cố định là 10.000 đồng. Để phù hợp với nhà đầu tư Việt Nam, nhóm tư vấn đã đề nghị Mass Noble chia tách cổ phiếu để tăng số cổ phần lên gấp đôi và mệnh giá giảm xuống còn 0,5 USD (xấp xỉ 11.000 đồng).

Vậy tại sao tỷ lệ hoán đổi lại là 1:1,43?

Ông Huy cho biết, tỷ lệ này được tính trên cơ sở định giá và đàm phán giữa các bên. Đức Long đã đàm phán và thỏa thuận mua lại 97,73% Mass Noble với giá 11,7 triệu USD – thấp hơn so với giá trị sổ sách của công ty là khoảng 14 triệu USD, quy chiếu theo tỷ giá ngày chốt, giá trị thương vụ tương đương 249 tỷ đồng. Với mức giá chốt cổ phiếu DLG để hoán đổi là 12.500 đồng, DLG cần phát hành 19,9 triệu cổ phiếu và ghi nhận mức thặng dư vốn cổ phần khoảng 50 tỷ đồng.

Có thể thấy ngay cái lời của DLG là “mua” cổ phiếu Mass Noble với giá 0,41 USD trong khi giá sổ sách tương đương mệnh giá của cổ phiếu này là 0,5 USD. Không những thế, khi giá cổ phiếu DLG trên thị trường hiện tại chỉ ở mức 7.500 – 8.800 đồng – thấp hơn mức giá 12.500 đồng thì phần thiệt thòi đã thuộc về cổ đông của Mass Noble trong khi cổ đông cũ của DLG được lợi thêm 1 lần nữa.

Một thương vụ “hai trong một”


Trong thương vụ này, Bộ Kế hoạch đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho Đức Long Gia Lai với số vốn 249 tỷ đồng. Thông thường, để đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp cần huy động vốn bằng tiền mặt nhưng với hình thức như DLG đã thực hiện, doanh nghiệp chỉ phát hành thêm cổ phần và chấp nhận pha loãng cổ phiếu.

Thương vụ không mấy phức tạp nhưng điều khó khăn là pháp lý của Việt Nam chưa quy định cụ thể cho trường hợp này. Chính vì thế, để hoàn thành, thương vụ cần có thời gian cùng sự linh hoạt trong các quy định pháp lý của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư và Ngân hàng nhà nước. Bên cạnh đó, hợp đồng hoán đổi cổ phần cũng phải rất chặt chẽ. Trong trường hợp hoán đổi bình thường, cổ đông được phép lưu hành cổ phiếu không hạn chế chuyển nhượng nhưng ở đây, cổ đông của Mass Noble phải cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam, hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm như chào bán riêng lẻ.

Có thể nói, đây là một thương vụ “2 trong 1” khi giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam không dùng tiền mặt nhưng vẫn mua được các công ty nước ngoài, đồng thời cũng là một hình thức giúp các NĐT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

DLG và sân chơi mới?


Đức Long Gia Lai khởi đầu là một doanh nghiệp chế biến gỗ tiêu dùng, kinh doanh bất động sản, thủy điện, nhà hàng khách sạn... Sau 20 năm phát triển, doanh nghiệp này xác định mục tiêu là một tập đoàn đa ngành nghề với chiến lược là nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, và mới nhất là sản xuất linh kiện điện tử.

Việc lấn sân vào quá nhiều lĩnh vực khiến cho nhiều người nghi ngờ khả năng quản lý cũng như hiệu quả hoạt động của Đức Long Gia Lai. Với thương vụ mua Mass Noble – một công ty sản xuất linh kiện điện tử của nước ngoài có quy mô gần 3.000 nhân viên, liệu Đức Long Gia Lai có thể quản lý một cách xuôi chèo mát mái?

Theo ông Mạc Quang Huy, việc 3 cổ đông Mass Noble hoán đổi Mass Noble không phải là hình thức “thoái vốn” bởi vì họ vẫn sở hữu doanh nghiệp này một cách gián tiếp thông qua việc sở hữu cổ phần tại DLG, tức là họ vẫn có trách nhiệm đối với Mass Noble. DLG mua Mass Noble nhưng vẫn sử dụng cán bộ quản lý, chuyên gia và nhân viên cũ, đồng thời tạo ra thị trường xuất khẩu sản phẩm linh kiện điện tử sẵn có cho các kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy tương tự tại Việt Nam.

Còn đối với cổ đông của Mass Noble, thay vì sở hữu 97,73% Mass Noble, nay đã đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng việc sở hữu DLG.