menu search
Đóng menu
Đóng

Đệm Kymdan: Từ chi phí công thức bí mật đắt đỏ đến mức giá 1 triệu đồng/cp

10:28 06/08/2015

Kymdan tuyệt đối kín tiếng với bên ngoài và áp dụng chiến lược tự bảo hộ bí mật công nghệ. Công ty này không cho phép nhân viên dùng điện thoại di động trong khu sản xuất, hạn chế tham quan nhà máy và không được tham quan dây chuyền công nghệ.

Ngày 3/8 vừa qua, Tổng Công ty Liksin đã bán đấu giá 61.290 cổ phần của CTCP Cao su sài Gòn Kymdan (Đệm Kymdan). Với giá khởi điểm 1.071.985 đồng/cổ phần, toàn bộ số cổ phần nói trên được bán hết cho 1 nhà đầu tư với giá bình quân 1.072.000 đồng/cổ phần tương đương giá trị 65,7 tỷ đồng.

Như vậy, mức giá này cao hơn 10 lần so với mệnh giá của 1 cổ phần Kymdan.

Sự tích đệm Kymdan

Công ty Kymdan được thành lập năm 1954 với sự ra đời của tấm đệm đầu tiên vào ngày 19/3/1954. Ông Nguyễn Văn Đan (sinh năm 1926 tại Tân Duân Trung, Gò Công) chính là người sáng lập ra hãng và được cấp bằng sáng chế cho đệm cao su thông hơi Kymdan vào năm 1962.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, gia đình ông Đan sang định cư tại Pháp. Con trai của ông là kỹ sư Nguyễn Hữu Trí vẫn ở lại quê hương làm ăn.

Năm 1984, ông Trí nhận chức vụ Giám đốc Xí nghiệp Đời sống thuộc Liên hiệp Xí nghiệp Công nghiệp Cao su. Đến năm 1989, khi Việt Nam có những cải cách kinh tế mới, ông Trí quyết định sản xuất trở lại đệm mousse thiên nhiên và phục hồi thương hiệu Kymdan.

Thành tựu của thế hệ thứ 2 tại Kymdan chính là việc đã khắc phục được mùi hôi của đệm cao su thời đó và đưa mùi thơm của chocolate vào sản phẩm.

Trải qua nhiều năm tháng, ngày 1/2/1999, CTCP Cao su Saigon – Kymdan bắt đầu hoạt động theo phương thức cổ phần hóa. Từ ngày 1/1/2009, ông Nguyễn Hữu Trí chuyển giao quyền điều hành công ty và chức vụ Tổng Giám đốc cho con trai là Nguyễn Trí Tân. Bản thân ông Trí tiếp tục đảm đương vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Công ty Kymdan là Doanh nghiệp tư nhân, hoạt động kinh doanh theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Trước khi Tổng Công ty Công nghiệp Liksin thoái vốn (qua việc bán đấu giá cổ phần nói trên), phần vốn góp của Nhà nước trong Kymdan chiếm 5,84% tổng vốn điều lệ, do Liksin đại diện. Kymdan không thuộc loại công ty cổ phần đại chúng do có dưới 100 cổ đông, không niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, cũng không tham gia bất kỳ hình thức giao dịch nào trên sàn OTC.

 

Bí mật của một công ty gia đình

Kymdan tuyệt đối kín tiếng với bên ngoài và áp dụng chiến lược tự bảo hộ bí mật công nghệ. Công ty này không cho phép nhân viên dùng điện thoại di động trong khu sản xuất, hạn chế di chuyển qua nhiều khu vực khác nhau, hạn chế tham quan nhà máy và không được tham quan dây chuyền công nghệ. Riêng cán bộ lãnh đạo cấp Nhà nước cũng chỉ được tham quan dây chuyền công nghệ mà không có sự tháp tùng của truyền thông và quay phim, chụp ảnh.

Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ, trong năm 2014, Kymdan trả tiền nhãn hiệu, bí quyết công nghệ đối với ông Nguyễn Hữu Trí – Chủ tịch HĐQT công ty là 124,5 tỷ đồng (năm 2013 là 123 tỷ). Đến cuối năm, số dư khoản phải trả nhãn hiệu bí quyết công nghệ cho ông Trí là 19,3 tỷ.

Khoản chi phí này được tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp, nhưng khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí công thức và nhãn hiệu lại được cộng trở lại vào lợi nhuận kế toán trước thuế để tính thuế.

Một điểm đáng chú ý trong BCTC của công ty là đến cuối năm 2014, số dư khoản phải thu hỗ trợ vốn đối với công ty Kymdan tại Úc (công ty con) là 167,5 tỷ đồng, phải thu bán hàng là 79,6 tỷ . Khoản phải thu này đang phải trích lập dự phòng hoàn toàn với số dư 247 tỷ.

Lợi nhuận gộp biên trên 70% và vốn hóa 1.143 tỷ đồng

Theo thông tin trên webite, Kymdan hiện có hệ thống phân phối hơn 550 cửa hàng đại lý trên toàn quốc. Ngoài nhà máy chính ở Củ Chi rộng 11ha, Kymdan có 3 công ty con ở Pháp, Đức và Australia; năng lực xuất khẩu chiếm từ 30-40% so với sản lượng tiêu thụ hàng năm.

Sau khi cổ phần hóa năm 1999, doanh số (chưa trừ VAT) của Kymdan tăng liên tục từ 30 – 60%/năm. Ngoài đệm, Kymdan còn có thêm các sản phẩm gối, giường, salon. Tất nhiên, doanh thu từ đệm luôn tỷ trọng cao nhất. Năm 2014, doanh thu từ đệm là 815 tỷ - chiếm 93% doanh thu của Kymdan.

Báo cáo tài chính của công ty mẹ cho biết, đến cuối năm 2014, Kymdan có vốn điều lệ là 106,6 tỷ đồng. Chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nguồn vốn của công ty là quỹ đầu tư phát triển với giá trị 947 tỷ - bằng 84,4% vốn chủ sở hữu và bằng 75,5% tổng nguồn vốn. Công ty không có nợ ngắn hạn, số dư vay nợ dài hạn cũng chỉ có hơn 8 tỷ đồng và toàn bộ hoạt động đầu tư của Kymdan đều được tài trợ bằng tiền từ hoạt động kinh doanh chính.

Năm 2014, doanh thu thuần của công ty đạt 868,3 tỷ đồng – tăng 10,4% so với năm 2013 và tăng 6,7% so với năm 2012. Tuy nhiên, trong các năm này, Kymdan luôn có mức lợi nhuận gộp biên rất cao, trên 70% và mức cao nhất đạt được là vào năm 2014 với 75,2%.

Với số lượng cổ phiếu lưu hành là 1.066.492 cổ phiếu (mệnh giá cổ phiếu 100.000 đồng), EPS năm 2014 là 161.883 đồng. Và tại mức giá mà Liksin đã bán (1.072.000 đồng), Kymdan được định giá ở mức P/E hơn 6,6x, vốn hóa hơn 1.143 tỷ đồng.

1 nhà đầu tư đã mua gần 6% cổ phần của Đệm Kymdan, giá bình quân hơn 1 triệu đồng/cp.

 

Theo Bảo Bảo

Trí Thức Trẻ

Nguồn:Trí Thức Trẻ