menu search
Đóng menu
Đóng

ĐHCĐ KDC: Đổi tên công ty thành KIDO, mua 55 triệu cổ phiếu quỹ

12:08 26/06/2015

Vinanet - Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cam kết trong vòng 2 năm, Kinh Đô sẽ quay về doanh số 5.000 tỷ đồng, trong vòng 3 năm sẽ 600 tỷ đồng lợi nhuận, liên tục 10 năm vẫn đủ khả năng trả cổ tức cho cổ đông.
Sáng nay (26/6), Công ty Cổ phần Kinh Đô (MCK: KDC) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2015. Kết thúc Đại hội, cổ đông thông qua nội dung các tờ trình.

Kế hoạch lãi trước thuế 6.500 tỷ đồng năm 2015

HĐQT đề xuất mục tiêu năm 2015 với doanh thu thuần 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.500 tỷ đồng. Trong khi mục tiêu doanh thu giảm 40% so với năm trước thì mục tiêu lợi nhuận lớn gấp 10 lần năm trước.  Đây là con số tính cả khoản lợi nhuận từ việc bán 80% mảng bánh kẹo Kinh Đô Bình Dương cho Mondelez.

Ông Nguyễn Xuân Luân, Phó Tổng Giám đốc Công ty xác nhận, mức lợi nhuận  6.500 tỷ đồng chủ yếu là lợi nhuận tài chính giao dịch với Mondelez. Doanh thu năm nay còn đến từ phần doanh thu mảng bánh kẹo cho đến thời điểm chuyển giao, ngoài ra còn có mảng dầu ăn, mỳ gói và  1 phần thu nhập bất thường từ chuyển giao mảng bánh kẹo.

Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cam kết trong vòng 2 năm, Kinh Đô sẽ quay về doanh số 5.000 tỷ đồng, trong vòng 3 năm sẽ 600 tỷ đồng lợi nhuận, liên tục 10 năm vẫn đủ khả năng trả cổ tức cho cổ đông.

Tại Đại hội, HĐQT nêu phương hướng đa dạng hóa danh mục sản phẩm ngành hàng thực phẩm  như ngành hàng kem và sản phẩm sữa; ngành hàng mỳ ăn liền, nước chấm, gia vị và thực phẩm đóng gói gia dụng; ngành dầu ăn và các ngành khác trong lĩnh vực F&B.

Chia cổ tức 200% trong 1 lần

Năm 2015, HĐQT xin ý kiến trả cổ tức 14% bằng tiền, tương đương 1.400 đồng/cổ phần. Đây là mức lợi nhuận chia hàng năm của KDC, không liên quan tới việc công ty xin ý kiến chia cổ tức 200% trước đó.

Vào đầu năm 2015, HĐQT công ty đã thông qua việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về chính sách cổ tức đặc biệt cho cổ đông năm 2015 sau khi hoàn tất việc bán 80% cổ phần tại Kinh Đô Bình Dương và nhận được tiền với tỷ lệ lên tới 200%, tương đương 20.000 đồng/cổ phần. Lượng cổ tức này được đại diện công ty xác nhận là chia cổ tức 1 lần, không trả thành nhiều lần.

Năm  2014, công ty đạt doanh thu thuần 4.953 tỷ đồng, tăng 8,6%, lợi nhuận trước thuế 663 tỷ đồng, vượt  10% so với kế hoạch.  Tổng tài sản đạt 7.875 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2014 là 1.084 tỷ đồng.

KDC xin ý kiến trả cổ tức năm 2014 là 10% bằng tiền (còn lại chưa chia), tương đương 235 tỷ đồng và trả thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát 10,8 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại chưa phân phối là 838,5 tỷ đồng. Đại diện KDC xác nhận việc trả cổ tức 10% này được thực hiện vào tháng 10/2015.

Mua hơn 55 triệu cổ phiếu quỹ, giá tối đa 50.000 đồng/đơn vị

HĐQT trình kế hoạch tiếp tục mua cổ phiếu quỹ với khối lượng tối đa là 30% tổng số cổ phiếu phát hành (77 triệu đơn vị bao gồm 21,5 triệu cổ phiếu quỹ hiện tại) như kế hoạch cũ. Đợt 1, công ty đã mua lại 21,5 triệu đơn vị. Như vậy, đợt 2, công ty sẽ mua khoảng 55,5 triệu cổ phiếu quỹ với giá tối đa 50.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến giao dịch là trong vòng 1 tháng kể từ ngày UBCKNN cho phép.

Nguồn vốn để mua là 4.400 tỷ, lấy từ thặng dư vốn cổ phần (3.274 tỷ), quỹ đầu tư phát triển (25,4 tỷ), quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu (16 tỷ) và lợi nhuận chưa phân phối là 1.084 tỷ).

Giá cổ phiếu KDC giao dịch trong 3 tháng trở lại đây ở mức thấp nhất 37.400 đồng, lập đỉnh ở mức 44.700 đồng/đơn vị. Thị giá giao dịch phiên sáng nay (26/6) là 44.200 đồng/đơn vị. 

Đổi tên thành KIDO, bầu thành viên HĐQT và BKS mới

HĐQT đề xuất đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (KIDO Xcorporation – KDC). Ông Nguyễn Xuân Luân giải thích phải đổi tên vì thương hiệu Kinh Đô gắn liền với mảng bánh kẹo. Khi chuyển nhượng thì thương hiệu này cũng đi theo nên cần tạo lập thương hiệu KIDO.

Ngoài ra, Công ty thực hiện bầu cử thành viên HĐQT và Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 3 (2015 – 2018).

Thành viên HĐQT trúng cử gồm: ông Trần kim Thành, ông Trần Lệ Nguyên, bà Vương Bửu Linh, bà Vương Ngọc Xiềm, ông Wang Ching Hua, ông Trần Quốc Nguyên, ông Nguyễn Văn Thuận, ông Nguyễn Đức Trí và ông Nguyễn Gia Huy Chương. 

Danh sách thành viên Ban kiểm soát gồm ông Lương Quang Hiển, ông Võ Long Nguyên và bà Lương Mỹ Duyên.

Khổng Chiêm