menu search
Đóng menu
Đóng

ĐHCĐ OGC: Giữ lại dự án 25 Trần Khánh Dư, không hủy niêm yết

16:11 30/11/2015

Dự án 25 Trần Khánh Dư, OGC có thể sẽ đưa dự án này vào sản xuất kinh doanh vào năm 2016 thay vì chuyển nhượng tất cả các dự án. Đây là thông tin đưa ra sáng nay tại Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 3 năm 2015 của Tập đoàn Đại Dương (OGC).

Sau lần Đại hội đồng cổ đông bất thường hụt lần 2, giá cổ phiếu OGC đã tăng gần gấp đôi khi OGC hé lộ thông tin KQKD quý 3 lãi 1.500 tỷ đồng. Do vậy, trong Đại hội bất thường lần 3 này, điều các cổ đông rất quan tâm là tình hình sản xuất kinh doanh của OGC sau khi bán dự án Vành Khăn ra sao?

Từ chối trả lời về ông Hà Trọng Nam

Tại Đại hội, một cổ đông đứng lên hỏi về món nợ của ông Hà Trọng Nam, phải trích lập 600 tỷ đồng, tại sao không yêu cầu ông Hà Trọng Nam bán Kem Tràng Tiền để trả nợ cho Công ty? Các khoản trích lập rất nhiều vậy trong quý IV có khả năng hoàn nhập khoản nào không?

Cổ đông này đề nghị, trước khi ông Hà Văn Thắm bị bắt giá cổ phiếu OGC 12.000 đồng/CP, còn sau đó giá cổ phiếu OGC còn 2.500 đồng/CP, cổ đông này cho rằng kể từ khi giá cổ phiếu xuống thấp như vậy không đêm nào cổ đông này ngủ được, cổ đông này cho rằng Tập đoàn đã nợ cổ đông rất nhiều và đề nghị OGC dùng các resort “của nhà trồng được” tri ân các cổ đông trung thành nhất, cảm ơn bằng các voucher resort, khách sạn của công ty.

Cổ đông này cho rằng việc này ngoài việc tri ân cổ đông còn có tác dụng quảng bá rất hiệu quả cho các dự án của Công ty.

Cũng liên quan đến ông Hà Trọng Nam, một cổ đông khác cho rằng Công ty cổ phần Tràng Tiền và Kem Tràng Tiền là hai pháp nhân khác nhau, mảnh đất 35 Tràng Tiền là thuộc CTCP Tràng Tiền, OGC có sở hữu mảnh đất 35 Tràng Tiền hay không hay chỉ kinh doanh trên thương hiệu Kem Tràng Triền thôi? Vì nếu tiếp tục chuyển nhượng thì năm sau không làm gì có thể vượt kế hoạch?

Về vấn đề ông Hà Trọng Nam, ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch HĐQT OGC cho biết các vụ việc liên quan đến ông Hà Trọng Nam liên quan đến OCH nên ông từ chối trả lời.

Ông Thụ cho rằng, nếu OCH chuyển nhượng dự án thì phải báo cáo với OGC. Còn đề xuất của cổ đông về sử dụng các resort, do OGC không quản lý trực tiếp, nhưng ông sẽ nghiên cứu về đề xuất này.

Quý 4 chắc chắn sẽ không lỗ

Cũng theo ông Thụ, mọi hoạt động của OGC đều công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, trước đây khi Ocean Group gặp biến cố về nhân sự, OGC đã lên kế hoạch vượt qua khó khăn, đặc biệt các khoản phải trả ngay lập tức để không làm mất cân đối tài chính của công ty, nên Công ty đã đưa ra dự định chuyển nhượng dự án 25 Trần Khánh Dư và thoái vốn khỏi một số dự án khác.

Ông Thụ cho biết, trước đây OGC dự kiến chuyển nhượng dự án 25 Trần Khánh Dư và rút vốn tại dự án Lega Fashion, OGC đã ký thanh lý hợp đồng và chờ đối tác chuyển trả lại số tiền đã góp vốn. Tuy nhiên, hiện tại OGC có thể sẽ đưa dự án 25 Trần Khánh Dư vào sản xuất kinh doanh vào năm 2016 thay vì chuyển nhượng tất cả các dự án.

Hiện OGC công bố sẽ chuyển nhượng dự án Hạ Đình, nơi OGC góp 50% vốn, OGC đang làm các thủ tục chuyển nhượng dự án này và dự kiến sẽ đóng góp vào KQKD quý IV.

Ông Lê Huy Giang, Tổng giám đốc OGC cho biết khi giá cổ phiếu OGC giảm từ 12.000 đồng/CP xuống 2.500 đồng/CP, rất mong cổ đông không quay lưng lại với tập đoàn.

Hiện OGC đang tái cơ cấu lại nhân sự, tái cơ cấu tài chính, đồng thời tái cơ cấu danh mục đầu tư, chuyển nhượng một số dự án không hiệu quả.

Ông Lê Huy Giang cho biết: “Chắc chắn quý 4 OGC sẽ không lỗ”.

Theo ông Giang, khoản lỗ của OGC chủ yếu do các khoản trích lập dự phòng. Các khoản công nợ của Công ty đang được xử lý, OGC đang đàm phán với đối tác để tiếp tục góp tiền và hoàn thiện xong sản phẩm. Các dự án này đang khởi động lại, nên khả năng hoàn nhập dự phòng là có.

Về lo ngại khả năng hủy niêm yết, ông Lê Quang Thụ cho biết cổ phiếu OGC sẽ không bị hủy niêm yết và sẽ có kết quả tốt hơn.

Kỳ vọng dòng tiền đều từ dự án BOT Hà Nội Bắc Giang

Về dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2015, trước thời hạn 6 tháng so với hợp đồng OGC ký với bộ GTVT, đây là dự án được đánh giá thu hồi vốn tốt nhất, dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Về tài chính được Vietcombank, VietinBank, LienvietPostBank đồng tài trợ cho vay. Dòng tiền thu hồi của dự án được đánh giá tương đối ổn định.

Dự án BOT nằm trên cung đường 1, cung đường huyết mạch từ Hà Nội đi biên giới phía Bắc là tuyến chính nên bộ GTVT tăng tốc làm dự án Hà Nội – Bắc Giang. Các nhà đầu tư luôn đắn đo với các dự án BOT vì liên quan đến khả năng thu hồi vốn và các nhà tài trợ vốn có cho vay dài hay không.

Vốn tham gia của OGC tại dự án này ban đầu là 40%, sau đó OGC đã giảm tỷ lệ sở hữu còn 21%, do đó áp lực tài chính không quá lớn. Ngân hàng lúc đó yêu cầu OGC đóng 100% vốn, và OGC đã dồn tổng lực để làm dự án này.

Hết quý I/2016 sẽ thu phí, và đóng góp dòng tiền vào KQKD của OGC trong thời gian tới.

“Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng OGC sẽ có nguồn thu tốt trong năm tới, đây là một điểm sáng trong thời điểm mảng BĐS hơi khó khăn một chút vì huy động vốn khó khăn”, ông Thụ khẳng định.

Cổ đông thắc mắc về mức thù lao của HĐQT gấp 10 năm ngoái

Tại ĐHCĐ bất thường lần này, HĐQT OGC trình cổ đông mức thù lao 2,04 tỷ đồng cho HĐQT và Ban kiểm soát cho năm 2015, con số này gấp gần 5 lần mức chi trả của năm 2014, đặc biệt thù lao cho Chủ tịch HĐQT tăng gấp 10 lần từ 120 triệu năm trước lên 1,2 tỷ đồng năm nay.

Trả lời về vấn đề này, Tổng giám đốc OGC cho rằng, trong năm qua khi gặp khó khăn, Công ty đã cắt giảm tối đa các chi phí, giảm nhân sự và hiện một người phải kiêm nhiệm nhiều việc. Việc tăng thù lao cho HĐQT là xứng đáng.

Còn ông Lê Quang Thụ cho rằng “ông không nắm cổ phiếu OGC nào, do đó không có cổ tức như cổ đông”.

Theo Phương Mai

Đầu tư Chứng khoán

Nguồn:Đầu tư Chứng khoán