Trong công ty gia đình lại có các công ty con, công ty liên kết cùng với mối quan hệ chằng chịt về mặt sở hữu đã làm cho mối quan hệ vay mượn trở nên hết sức phức tạp tại CTCP Thuận Thảo (GTT) trong nhiều năm qua.
Công ty gia đình
Theo kết quả nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của Công ty cổ phần Thuận Thảo, Hội đồng quản trị công ty hiện có 5 người, bao gồm: bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT và 4 thành viên: ông Võ Thanh Hoàng Chương, bà Võ Thanh Minh Hằng, bà Đặng Thị Nguyệt Thương và ông Trần Quốc Hiến. Đáng chú ý, trong 5 thành viên HĐQT, trừ ông Trần Quốc Hiến, 4 thành viên còn lại đều là “người một nhà”.
Cách cư xử “thuận tiện”
Kết thúc năm 2014, bảng cân đối kế toán của CTCP Thuận Thảo (GTT) có khoản đầu tư tài chính 400 tỷ đồng vào CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn – một công ty cũng do bà Võ Thị Thanh làm chủ tịch HĐQT, được biết số tiền này đã bắt đầu nảy sinh từ tháng 3/2013 theo hợp đồng cho vay với thời hạn vay là 12 tháng, nợ gốc vay và lãi vay được đảm bảo bằng quyền chuyển đổi thành vốn góp của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Tiếp đó đến ngày 23/12/2013 hai bên đã ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời hạn vay từ 12 tháng lên 24 tháng. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế ban lãnh đạo công ty đồng ý không tính lãi suất trong năm 2014 đối với khoản cho vay này. Hoạt động chính của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn là phát triển dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh, Tp.HCM, đây là dự án rất tiềm năng nên HĐQT và Ban TGĐ công ty đánh giá rằng công ty không bị rủi ro trong việc thu hồi nợ gốc và lãi đối với khoản cho vay này.
Tuy nhiên đáng chú ý trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ lại không thể hiện khoản thay đổi nào lớn như thế. Hoá ra, GTT đã cho Thuận Thảo Nam Sài Gòn vay để trả nợ cho mình, được thể hiện qua khoản phải thu khách hàng giảm đi số tiền tương ứng. GTT cũng chẳng lấy tiền thật để cho Thuận Thảo Nam Sài Gòn vay, nên khoản đầu tư tài chính này không để lại dấu vết trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, mà thực chất chỉ điều chỉnh trên sổ sách dựa vào thoả thuận giao dịch giữa các bên, theo đó số tiền 400 tỷ đồng giúp Thuận Thảo Nam Sài Gòn giảm số tiền nợ dịch vụ và khoản phải thu khách hàng của GTT đến cuối năm 2013 chỉ còn 14,65 tỷ đồng và số tiền 400 tỷ đồng được ghi nhận là khoản đầu tư tài chính của công ty các năm 2013 và 2014.
Số liệu tại ngày 31/12/2012
Số liệu tại ngày 31/12/2013
Như vậy, nếu hào phóng không tính lãi vay 2014, thì tính đến 31/12/2014, Thuận Thảo Nam Sài Gòn không chỉ vay 400 tỷ đồng từ GTT mà khoản lãi từ việc cho vay đó là 53,6 tỷ đồng thực tế vẫn chưa thu được tiền và đang “treo” tại “các khoản phải thu khác”.
Cổ đông nhiều năm không đòi nợ cổ tức
Với mức lãi ít ỏi của năm 2011, đại hội thống nhất không chi trả cổ tức năm 2011, mà chuyển qua năm 2012, tuy nhiên tỷ lệ hoàn thành kế hoạch của năm 2012 cũng rất thấp nên cổ tức lại tiếp tục được chuyển sang năm 2013, và tất nhiên với kết quả kinh doanh thua lỗ cổ tức 2014 là không có và thậm chí sang năm 2015 vấn đề cổ tức cũng không được công ty đề cập tới. Theo đó tình trạng nợ cổ tức tại GTT đã diễn ra từ năm 2011 đến nay.
(Trích BCTC kiểm toán 2011)
Tổng số cổ tức phải trả cho cổ đông năm 2011 là hơn 14 tỷ đồng và 45,3 tỷ đồng vay tiền của bà Thanh được chuyển sang 2012, trong năm 2012 bà Thanh tiếp tục cho công ty vay thêm hơn 40 tỷ đồng nữa nâng khoản tiền vay phải trả cho bà Thanh của công ty lên hơn 96 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2013 mối quan hệ vay mượn của công ty với các thành viên trong gia đình bà Thanh diễn ra phức tạp hơn. Bà Thanh có khoản vay 30,8 tỷ đồng, trả tiền nợ vay gần 12 tỷ đồng, mượn tiền 681 triệu đồng và đáng chú ý là khoản tiền xóa nợ gần 80 tỷ đồng, ngoài sự hào phóng của bà Thanh trong năm 2013, bà Võ Thanh Minh Hằng – con gái bà Thanh, ông Võ Văn Thuận – chồng bà Thanh cũng xóa nợ cho công ty với số tiền 435 triệu đồng và 254 triệu đồng giúp nợ phải trả cho các thành viên trong gia đình bà Thanh giảm từ gần 110 tỷ đồng xuống còn hơn 51 tỷ đồng, trong đó công ty tiếp tục nợ lại món cổ tức từ năm 2011.
Không chỉ vay mượn nội bộ, qua các năm nợ vay của GTT cũng liên tục gia tăng, tính đến 31/12/2014, nợ phải trả lên tới hơn 1.238 tỷ đồng cao gấp 4,7 lần vốn chủ sở hữu, trong đó BIDV chi nhánh Phú Tài đang có nhiều khoản cho vay nhất đối với Thuận Thảo.
Có thể thấy tình trạng thua lỗ, các khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, các khoản vay đến hạn trả và lãi vay chưa thanh toán, các khoản thuế và lãi phạt chậm nộp thuế sẽ khiến công ty gặp áp lực về thanh khoản. Thay vì trình bày các phương án đầu tư kinh doanh khả thi trong năm 2015, Ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ thực hiện với các bên cho vay xin giảm, miễn lãi vay, thực hiện cơ cấu lại nợ vay, lãi vay và làm việc lại với cơ quan thuế để xin giảm miễn cho các khoản thuế nợ, yêu cầu cổ đông lớn và các bên liên quan sẽ hỗ trợ công ty để thanh toán nợ đến hạn. Ngoài ra, công ty thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, tái cơ cấu lại bộ máy.
Nguồn:Trí thức trẻ