Các ông lớn, lãi lớn
Đứng đầu là mức lợi nhuận mà Vietinbank (CTG) đạt được trong quý 2/2015, mặc dù giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng lãi thuần, lãi từ các hoạt động dịch vụ, hoạt động khác trong kỳ tăng trưởng tốt, lũy kế 6 tháng ngân hàng này vẫn giữ được quy mô lợi nhuận so với cùng kỳ 2014, các vị trí tiếp theo thuộc về 3 ngân hàng TMCP khác là VCB, MBB và STB.
Nhóm các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ cũng không khỏi khiến thị trường “giật mình” khi có những doanh nghiệp đạt được tỷ lệ tăng trưởng lên tới hàng nghìn phần trăm, trong đó nổi bật nhất phải kể tới kết quả tăng trưởng của BĐS Phát Đạt (PDR), nhờ doanh thu ghi nhận khá tốt từ việc chuyển nhượng đất nền biệt thự Riverside Villas của dự án TheEverRich 3, hiện PDR đang kỳ vọng rất nhiều vào việc chuyển nhượng lại dự án EverRich 2 cho các trái chủ hiện tại của Công ty do đó lợi nhuận quý 3/2015 sẽ là một ẩn số được mong đợi.
Doanh thu tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ cùng khoản doanh thu đột biến từ hoạt động tài chính do ghi nhận lãi bán các khoản đầu tư (43,38 tỷ đồng) đã giúp TSC lãi ròng 47,56 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp BĐS khác cũng gây chú ý trong kỳ là Địa ốc Long Điền (LDG), doanh thu tăng cao gấp hơn 10 lần đã giúp LDG lãi ròng tới 44,6 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 1,4 tỷ đồng cùng kỳ 2014, hiện nay, LDG Group đang là chủ sở hữu của nhiều dự án bất động sản và du lịch như Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền, Công viên sinh thái Suối Mơ, dự án Khu đô thị thương mại The Viva city rộng 117 ha tại Đồng Nai, dự án Khu đô thị Giang Điền quy mô 42ha, Khu đô thị dành cho chuyên gia Sakura Valley (dự án Hồ Thiên Nga) rộng 37ha, dự án Khu căn hộ Moon River tại Bình Dương, dự án Khu dân cư Phước Tân, Khu đô dân cư Tam Phước…
Có khoảng 21 doanh nghiệp báo lãi sụt giảm so với cùng kỳ, trong đó đáng kể nhất là mức lãi ròng chưa đến 1 tỷ đồng của Cơ điện và XD Việt Nam (MCG) giảm tới 96,2% so với cùng kỳ năm ngoái do doanh thu sụt giảm và trong kỳ MCG quyết toán công trình thủy điện Nho Quế 3 bị lỗ hơn 3 tỷ đồng vì bị chủ đầu tư cắt giảm phần bù giá.
Eximbank báo lãi vỏn vẹn 27 tỷ đồng trong quý 2/2015 giảm tới 88% so với cùng kỳ, các chỉ tiêu kinh doanh của Eximbank sau 6 tháng đầu năm đều đi xuống thảm hại, lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 566 và 442 tỷ đồng, đều giảm 14% so với kết quả cùng kỳ năm trước. Việc tập trung vào xử lý hàng tồn kho và bán với giá cạnh tranh, thêm vào đó là sự cạnh tranh của cả doanh nghiệp trong ngành và các biện pháp tự vệ thương mại của nước nhập khẩu đã khiến Đại Thiên Lộc (DTL) có quý kinh doanh sa sút với vỏn vẹn 1,17 tỷ đồng LNST.
Trong số hơn 70 doanh nghiệp mới công bố BCTC quý 2/2015 thì chỉ có 4 doanh nghiệp báo lỗ là HLG, LCM, PTL và UDC trong đó HLG đã lỗ quý thứ 11 liên tiếp do những khó khăn trong ngành thủy sản, sau 2 năm thua lỗ liệu "giấc mơ" lãi ròng 22,5 tỷ đồng trong năm 2015 của HLG có thành hiện thực. Kinh doanh dưới giá vốn là nguyên nhân khiến Khoáng sản Lào Cai (LCM) thua lỗ, thị trường cũng đã chứng kiến mức giảm sâu tới 55,77% của cổ phiếu này trong nửa đầu năm 2015. Việc lỗ tiếp gần 16 tỷ đồng trong quý 2 khiến 6 tháng đầu năm 2015 PTL lỗ tới 31,3 tỷ đồng, PTL hiện là cổ phiếu có "giá bèo" trên sàn HSX, năm nay công ty kinh doanh chỉ với mục tiêu hòa vốn.
Đến thời điểm này có thể thấy bức tranh lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2015 của các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán là khá rõ nét, những con số lợi nhuận khả quan là phần thưởng cho các doanh nghiệp vì những nỗ lực tìm kiếm và nắm bắt được cơ hội mà nền kinh tế đã tạo ra trong nửa đầu năm 2015, tuy nhiên những con số này còn cần được kiểm chứng bởi các kiểm toán viên, các DNNY đang khẩn trương công bố các BCTC bán niên đã được soát xét.
Theo Thanh Tú
InfoNet/HSX