Việc lấy mẫu kiểm định bằng cách cắt một phần sản phẩm theo Thông tư liên tịch số 44 năm 2013 giữa liên Bộ Công Thương – KHCN (về quản lý chất lượng thép) có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp như trên.
Đáng nói hơn, mặc dù doanh nghiệp nhập khẩu từ nhà sản xuất uy tín của Nhật, Mỹ hay châu Âu, từng được cơ quan kiểm định chất lượng xác nhận đủ tiêu chuẩn tiêu thụ tại Việt Nam thì tới lần sau, sản phẩm nhập khẩu vẫn cứ bị cắt ra như vậy.
Đây chỉ là một trong những vấn đề trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn chỉ ra tại hội thảo ngày 18/6 về thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ.
Đến nay, các bộ ngành đã triển khai nhiều cải cách về thủ tục quản lý chuyên ngành, như Bộ Công Thương thí điểm cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) qua mạng từ ngày 14/5; Bộ GTVT khai trương đăng kiểm điện tử… Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy còn rất nhiều vướng mắc phải giải quyết.
Chuyên gia hải quan Phạm Thanh Bình cho biết phí kiểm dịch thực vật đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu hiện được thu theo lô 500 tấn. “Tức là một tàu chở 40 nghìn tấn dăm gỗ thì phải tính phí 80 lô, nhân với 544.000 đồng một lô thì phí kiểm dịch là hơn 43 triệu đồng. Đó là chưa kể, dăm gỗ hút ẩm rất nhiều, nhiều khi lên tới 50% trọng lượng”, ông Bình nói.
Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng với mức thu phí như vậy thì doanh nghiệp khó mà có lợi nhuận nữa.
Một vấn đề khác với dăm gỗ, theo các doanh nghiệp, là nhiều thị trường không yêu cầu phải kiểm dịch dăm gỗ khi nhập vào các nước này (ví dụ Nhật Bản), nhưng cơ quan kiểm dịch thực vật vẫn yêu cầu kiểm dịch tại Việt Nam, theo Thông tư số 30 năm 2014 của Bộ NNPTNT.
Cũng thuộc thẩm quyền của Bộ NNPTNT, Thông tư số 06 năm 2010 về trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký kiểm dịch với Cục Thú y (tại Hà Nội) trước khi ký hợp đồng với đối tác nước ngoài. “Đây là điều rất vô lý”, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM, nhận xét.
Chậm trễ triển khai
Thống kê sơ bộ của CIEM cũng cho thấy nhiều bộ ngành khá chậm trễ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 19 để cắt giảm thời gian thông quan theo yêu cầu của Chính phủ.
Cụ thể, thực hiện Nghị định 187 của Chính phủ, 12 bộ ngành phải ban hành danh mục hàng hóa cấm XNK, hàng hóa XNK theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành. Thế nhưng đến nay mới chỉ có 7/12 Bộ ban hành danh mục này và cũng chỉ mới ban hành 35 trong số 107 danh mục phải ban hành, đạt khoảng 1/3.
Hơn nữa, trong số các văn bản đã ban hành thì chỉ có Thông tư 18 năm 2014 của NHNN là quy định đủ các nội dung (tên hàng, mã số HS, chế độ quản lý) để làm căn cứ thực hiện thủ tục thông quan. Còn các danh mục khác hoặc là thiếu mã HS, hoặc thiếu chế độ quản lý, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Vì vậy mà Hải quan vẫn phải áp dụng Nghị định 12 năm 2006 (đã hết hiệu lực từ tháng 2/2014) trong khi chờ các bộ ngành hướng dẫn Nghị định 187.
Bộ KHĐT cũng chưa nhận được thông tin của các Bộ về việc triển khai rà soát, sửa đổi, xây dựng các văn bản đang gây vướng mắc về thủ tục quản lý chuyên ngành trong thông quan.
Đáng chú ý, các văn bản này đã được nêu rất rõ tại Nghị quyết 19, như các Nghị định và Thông tư quy định về khai báo hóa chất (nhiệm vụ sửa đổi được giao cho Bộ Công Thương); Thông tư số 32 năm 2009 của Bộ Công Thương về kiểm tra hàm lượng formaldehyt trên sản phẩm dệt may; vướng mắc trong thực hiện Thông tư 38 năm 2013 của Bộ NNPTNT về kiểm tra, chứng nhận ATTP với thủy sản xuất khẩu; sửa đổi, bổ sung Nghị định 89 năm 2006 về ghi nhãn hàng hóa (được giao cho Bộ KHCN) hay sửa đổi Thông tư 19 năm 2012 của Bộ Y tế về công bố phù hợp quy định ATTP…
CIEM và đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng các Bộ ngành cần khẩn trương ban hành danh mục hàng hóa XNK thống nhất và quy định về tiêu chuẩn, phương thức kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của Nghị định 187.
Một hướng đi khác rất quan trọng là khẩn trương hướng dẫn việc công nhận chứng nhận kiểm tra của những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận. Bộ KHCN đã bắt đầu triển khai yêu cầu này, nhưng cần làm nhanh hơn.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn và phản hồi kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục có liên quan, bởi kể cả những thủ tục đã cải cách cũng có thể xuất hiện những vướng mắc không ngờ, gây khó cho doanh nghiệp.
Nguồn:Chinhphu.vn