Những thương vụ đình đám
Cuối năm 2012, The Nawaplastic Industries (Saraburi), công ty chuyên sản xuất ống nhựa PVCcủa Thái Lan, đã gây "sóng gió" trên thị trường chứng khoán khi liên tục mua gom lượng lớn cổ phiếu của 2 doanh nghiệp nhựa hàng đầu Việt Nam là CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong(HOSE: NTP) và CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP).
Đến cuối tháng 03/2013, động thái mới xuất hiện từ Saraburi khi tiếp tục mua gom cổ phiếu, nâng tỷ lệ nắm giữ tại NTP và BMP lần lượt lên 20.4% và 23.84%. Cùng với đó là những biến động về nhân sự trong mùa ĐHĐCĐ thường niên 2013 với sự xuất hiện của đại diện Nawaplastic Industries trong HĐQT của cả 2 công ty.
Bức màn thương vụ dần hé mở với thông tin về người đứng sau cũng chính là công ty mẹ của Nawaplastic Industries - Tập đoàn xi măng Siam (SCG) (SCG nắm giữ 91% tại Nawaplastic Industries). SCG cũng không phải là cái tên mới đối với nhà đầu tư trong nước bởi trước đó, cuối năm 2012, Tập đoàn này từng “gây bão” với thương vụ nổi tiếng mua 85% cổ phần CTCP Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD (gần 5,000 tỷ đồng).
Và mới đây nhất, thông qua công ty con là Công ty Bao bì Nhựa TC, SCG đã hoàn tất thương vụ mua lại 80% cổ phần của CTCP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico). Giá trị của thương vụ này theo ước tính đạt khoảng 1.5 tỷ bath, tương đương hơn 40 triệu USD.
Ngoài các thương vụ “đình đám” ở trên, SCG hiện còn đang nắm giữ cổ phần tại 4 doanh nghiệp nhựa khác tại Việt Nam là: Công ty TNHH Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Công ty TNHHNhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty TNHH Chemtech, CTCP TNHH Vật liệu nhựa Minh Thái.
Danh sách các công ty SCG đầu tư tại Việt Nam
Nguồn: SCG Việt Nam
|
Cùng với thương vụ gần đây nhất là việc mua lại Batico, “đại gia” Thái Lan - SCG đã nâng số lượng doanh nghiệp nhựa trong danh sách đầu tư tại Việt Nam lên con số 7 với số tiền đầu tư ước tính hơn 4 tỷ bath, tương đương khoảng 121 triệu USD. Nhựa Bình Minh là công ty mà SCG nắm giữ với tỷ lệ thấp nhất là 19%, trong khi đó Công ty TNHH Chemtech được nắm giữ với tỷ lệ cao nhất đạt 91%. Tuy nhiên, xét về giá trị thì thương vụ gần đây nhất là mua lại 80% cổ phần tại Batico dẫn đầu - khoảng 1.5 tỷ bath.
Việc nắm giữ cổ phần tại 2 doanh nghiệp sản xuất ống nhựa xây dựng hàng đầu Việt Nam với thị phần khoảng hơn 50% toàn thị trường, cùng hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất nhựa gia dụng, bao bì nhựa đã cho thấy phần nào tham vọng của SCG trong việc chi phối thị trường nhựa sản xuất tại Việt Nam – miếng bánh trị giá hàng trăm triệu USD.
Giá trị đầu tư (triệu bath) và tỷ lệ nắm giữ của SCG tại các DN nhựa Việt Nam
|
Nguồn: BCTN 2014 SCG
|
SCG là ai?
Tập đoàn SCG được thành lập năm 1913 bởi Nhà vua Rama VI với nhiệm vụ ban đầu nhằm hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng của Thái Lan. Đến năm 2011, SCG được xếp hạng là công ty lớn thứ hai tại Thái Lan và thứ 620 trên toàn thế giới bởi Forbes với hoạt động đa ngành, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Hiện Tập đoàn này có khoảng 200 công ty con cùng hơn 51,000 nhân viên.
Tính đến ngày 30/12/2014, SCG có 2 cổ đông lớn là cơ quan quản lý vốn của Hoàng gia Thái Lan và một công ty con của Sở GDCK Thái Lan (SET) với số lượng cổ phiếu nắm giữ lần lượt là 360 triệu cp và 110.5 triệu cp, tương đương với tỷ lệ nắm giữ 30% và 9.2%.
Cơ cấu cổ đông của SCG tính đến thời điểm 30/12/2014
Nguồn: BCTN 2014 SCG
|
Tính tới ngày 30/06/2015, tổng tài sản của SCG đạt 14.83 tỷ USD, trong đó tổng tài sản của SCG tại khu vực Đông Nam Á (trừ Thái Lan) đạt khoảng 2.84 tỷ USD, chiếm 19% tổng giá trị tài sản hợp nhất của SCG.
Tổng doanh thu từ bán hàng của Tập đoàn trong quý 2/2015 đạt 113,818 triệu bath, tương đương hơn 3.2 tỷ USD. Trong đó, doanh thu đóng góp từ hoạt động thuộc các quốc gia trong khối ASEAN đạt 10%, Việt Nam và Indonesia cùng chiếm tỷ trọng lớn nhất là 27%. Lợi nhuận ghi nhận 13,877 triệu bath, tương đương gần 395 triệu USD.
Doanh thu qua các quý của SCG (Đơn vị: Triệu bath)
|
Giá trị xuất khẩu và hoạt động của các nước trong khối ASEAN - Nguồn: Vietstock
|
Giá cổ phiếu của Tập đoàn SCG 2 năm trở lại đây - Nguồn: Vietstock
SCG là Tập đoàn lớn thứ hai tại Thái Lan với thị giá cổ phiếu tại phiên giao dịch gần nhất (31/07) là 526 bath, tương đương gần 15 USD/cp. - Nguồn: Vietstock
|
Theo thông tin được cung cấp trên website SCG Việt Nam, Tập đoàn này đã đầu tư vào 19 công ty tại Việt Nam với tổng giá trị 580 triệu USD và có khoảng 6,400 nhân viên. Doanh thu từ bán hàng của các doanh nghiệp SCG tại Việt Nam trong năm 2013 đạt 547 triệu USD. Bên cạnh nhựa, một số lĩnh vực SCG đang quan tâm và có sự đầu tư lớn tại Việt Nam gồm xi măng, vật liệu xây dựng, giấy, hóa dầu...Cuối năm 2011, SCG Cement đã mua lại 99% cổ phần của Xi măng Bửu Long. Nhờ thường vụ này, khả năng sản xuất của SCG Cement bổ sung thêm khoảng 200,000 tấn xi măng mỗi năm.
Với lĩnh vực vật liệu xây dựng, SCG từng gây "sóng gió" trên thị trường vào thời điểm cuối năm 2012 với việc mua lại 85% cổ phần của Prime Group - doanh nghiệp sản xuất gạch men hàng đầu của Việt Nam. Thương vụ này đưa SCG thành nhà sản xuất gạch men lớn nhất thế giới.
Không dừng ở đó, mảng bao bì của SCG cũng phát triển mạnh. Năm 2011, SCG Paper đã tiến hành thâu tóm 100% của công ty sản xuất bao bì và thùng carton Việt Nam là Alcamax Packaging với giá ước tính khoảng 430 tỉ đồng. Đến giữa năm 2013, SCG còn tiến hành nâng cấp nhà máy sản xuất bao bì Vina Kraft Paper để tăng công suất từ 220,000 tấn lên 250,000 tấn/năm.
Theo Đăng Tùng
Vietstock
Nguồn:Vietstock