Tuy nhiên, hiện tại, Chính phủ chỉ chấp thuận cho Damen mua lần đầu tới 49% cổ phần tại Sông Cấm.
Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC cho biết, SBIC đã có nhiều lần họp với đại diện của Damen để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm tăng cường đầu tư hợp tác giữa SBIC và Damen.
Cụ thể, SBIC đã đề xuất Damen trước mắt mua 49% cổ phần của Sông Cấm. Khi điều kiện thuận lợi và được Chính phủ cho phép, SBIC sẽ bán tiếp để nâng tỷ lệ sở hữu của Damen tại Sông Cấm lên 70% theo đúng yêu cầu của Damen.
“Phía Damen không muốn có chủ trương mua cổ phần của Sông Cấm theo nhiều giai đoạn mà vẫn mong muốn được Chính phủ cho phép mua một lần 70% cổ phần của Sông Cấm,” ông Nguyễn Ngọc Sự cho hay.
Ngoài ra, Damen cũng rất lo ngại về tình trạng không mở rộng được đầu tư tại Việt Nam. Hiện tại, Tập đoàn của Hà Lan này tiếp tục cung cấp các đơn đặt hàng cho các nhà máy đóng tàu của Việt Nam. Nhưng do không được mở rộng đầu tư, Damen đã bắt đầu phải chuyển một số đơn đặt hàng lớn ra các nước khác.
Bên cạnh đó, Damen đang có quan hệ hợp tác tốt và là đối tác quan trọng nhất của SBIC. Cụ thể, Damen đang cung cấp toàn bộ đơn hàng cho Sông Cấm-Bến Kiền, cung cấp đơn hàng đảm bảo công ăn việc làm cho Hạ Long tới hết năm 2016, mở rộng từng bước việc đặt hàng tại Phà Rừng.
“Việc Damen mua cổ phần của SBIC tại Sông Cấm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư, nâng tầm hợp tác chiến lược giữa hai bên, tạo cơ sở ban đầu để mở rộng hơn nữa việc hợp tác giữa Tập đoàn này và các nhà máy còn lại của SBIC,” ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định.
Vì vậy, SBIC đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xem xét kiến nghị Chính phủ chấp thuận về chủ trương cho phép SBIC bán cổ phần tại Sông Cấm cho Damen với tỷ lệ 70% như một trường hợp ngoại lệ, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn:Vietnam+