Lý giải những nghi vấn này, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, năm 2001, khi mới được thành lập, hệ thống bán lẻ Vinatexmart, Vinatex kỳ vọng hệ thống bán lẻ này sẽ trở thành kênh phân phối hữu hiệu cho các sản phẩm dệt may Việt Nam tại thị trường nội địa với mục tiêu lớn nhất được đề ra là sẽ phân phối 100% sản phẩm dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, trong 13 năm hình thành và phát triển, hệ thống siêu thị Vinatex mặc dù tăng nhanh về số lượng, song các vị trí lại chưa phải là các địa điểm tốt. Cụ thể, sản phẩm dệt may của các đơn vị trong Tập đoàn được định vị là sản phẩm loại khá trở lên, tuy nhiên địa điểm bán hàng của Vinatex lại đặt khá nhiều ở vùng nông thôn - nơi có thu nhập bình quân đầu người thấp và có nhu cầu tiêu dùng hàng giá rẻ, chất lượng thấp.
Bên cạnh đó, tại hệ thống Vinatexmart, tỷ lệ doanh thu của hàng hóa tổng hợp (hàng tạp hóa) chiếm tới 2/3 trong khi doanh thu từ hàng hóa dệt may chỉ chiếm 1/3. “Điều này không phù hợp với chiến lược phát triển của Vinatex. Chúng tôi muốn phát triển một hệ thống phân phối hàng hóa hàng dệt may nội địa, chứ không mong muốn một hệ thống siêu thị mà 70% là hàng tổng hợp”, ông Trường khẳng định.
Với chiến lược là bán hàng hóa từ loại khá trở lên, Vinatex cần là các địa điểm phân phối phải tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà nẵng, Cần Thơ… chứ không phải ở các khu vực miền núi, vùng nông thôn...
Theo phân tích của ông Trường, sự mở rộng nhanh chóng các địa điểm phân phối trong những năm qua của Vinatex là không phù hợp với quy tắc kinh doanh và chiến lược phát triển. Nếu cứ để hệ thống này tồn tại lay lắt, vốn nhà nước bị sử dụng không hiệu quả và người lao động cũng không có môi trường tốt nhất để làm việc.
Với những lý lẽ trên, việc Vinatex "nhượng" hệ thống siêu thị Vinatexmart cho nhà phân phối lớn như Vingroup cũng là điều dễ hiểu.
Vậy nên khi đề cập đến thương vụ này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết: “Đây là điều đáng mừng. Bán cho người Việt còn hơn là bán cho doanh nghiệp nước ngoài”.
Song cũng nhiều ý kiến lo ngại cho rằng có phải Vinatex không quan tâm đến thị trường nội địa nữa hay không khi bán Vinatexmart? Đáp lại ý kiến này, vị đại diện của Vinatex cho hay, không phải Vinatex bỏ mục tiêu phân phối nội địa mà Vinatex sẽ xây dựng mạng lưới khác phù hợp với chiến lược của mình để thực sự thực hiện vai trò của một Tập đoàn hàng hóa dệt may nội địa.
Hiện nay, thị trường nội địa đang là “miếng bánh” màu mỡ của ngành dệt may, đặc biệt là thị trường nông thôn chiếm một thị phần khá lớn. Tuy nhiên, thị trường này vẫn đang bị hàng Trung Quốc chiếm lĩnh, trong khi đó, doanh nghiệp trong nước vẫn tỏ ra yếu thế ở thị trường tiềm năng này.
Và với lý lẽ của lãnh đạo Vinatex là doanh nghiệp này chỉ bán hàng hóa từ loại khá trở lên và không tập trung cho khu vực nông thôn, vậy phải chăng, doanh nghiệp đang muốn nhường “sân” cho hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường nông thôn?
Theo Phan Thu
Báo Hải quan
Nguồn:Báo Hải quan