menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam đứng thứ 20 toàn cầu về M&A doanh nghiệp

20:34 06/08/2015

Vinanet - Theo Quỹ Tiền Tệ Thế giới (IMF), Việt Nam chỉ xếp thứ 55 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì vị trí 20 về mua bán, sáp nhập là đáng chú ý.
 GS.TS Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên kết (IMAA) cho biết, trong năm nay, Việt Nam có bước tiến trong bảng xếp hạng hoạt động M&A doanh nghiệp toàn cầu khi vươn lên vị trí thứ 20.

Theo Quỹ Tiền Tệ Thế giới (IMF), Việt Nam chỉ xếp thứ 55 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì vị trí 20 về mua bán, sáp nhập là đáng chú ý.

Xét về quốc gia các công ty mục tiêu, 219 thương vụ đã được công bố gần đây có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó năm ngoái, Việt Nam xếp thứ 24 trong vị trí toàn cầu với 339 thương vụ. 

Xét về giá trị, Việt Nam xếp thứ 41 thế giới với hơn 2 tỷ USD. Năm trước, Việt Nam chỉ đạt hạng 55 về giá trị với 2,8 tỷ USD.

Các thương vụ mua lại giữa doanh nghiệp Việt và nước ngoài vẫn còn ở mức tương đối thấp và chỉ đạt 10 thương vụ mỗi năm. 

Trong khu vực ASEAN, theo đánh giá chung của nhóm nghiên cứu M&A Việt Nam (MAF), các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ. Trên sàn chứng khoán, những doanh nghiệp có doanh thu 1 - 3 tỷ USD vẫn ở mức trung bình so với khu vực (doanh thu 5 - 10 tỷ USD, thậm chí vài chục tỷ USD/năm).

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, xu hướng doanh nghiệp Đông Nam Á tìm đến Việt  Nam để đầu tư, mua lại cổ phần chi phối càng rõ nét hơn. Ví dụ, năm 2014 - 2015, Công ty Power Buy - Công ty con của Central Group - hoàn tất mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim; BJC lên phương án mua lại 19 trung tâm phân phối Metro tại Việt Nam với giá 879 triệu USD và chưa hoàn tất.

MAF đánh giá, Việt Nam có nhiều thuận lợi từ sự phát triển chung của thị trường M&A Đông Nam Á. Việt Nam cũng có lợi thế về quy mô dân số, ổn định chính trị và cơ hội đầu tư, làm gia tăng cơ hội thu hút dòng vốn M&A từ các đối tác Thái Lan, Malaysia, Indonesia...

Tuy nhiên, Việt Nam không phải không có khó khăn. Khó khăn là Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối ở các các doanh nghiệp cổ phần hóa trong khi quy mô các công ty tư nhân còn nhỏ so với kỳ vọng của giới đầu tư.

Để vượt qua các thách thức, MAF cho rằng Việt Nam cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu thị trường và các đối tác khu vực.

Khổng Chiêm