Theo bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, trong thời gian qua, Vingroup đã và đang tích cực phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) để trao đổi thông tin, thảo luận và nghiên cứu các phương án hợp tác các dự án trên.
Đối với ga Đà Nẵng, Vingroup thống nhất đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) theo quy định tại Nghị định 15 cũng như chủ trương đầu tư thực hiện dự án mà Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt.
Để có thể sớm triển khai các thủ tục đầu tư, tập đoàn này đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có hướng dẫn cụ thể hơn.
Với 2 ga Hà Nội và Sài Gòn, do chưa có chủ trương cụ thể về phương án thực hiện đầu tư, Vingroup và VNR đã thảo luận nhiều phương thức hợp tác khác nhau trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo hoạt động liên tục của nhà ga, kiến trúc phù hợp với quy định về cảnh quan kiến trúc của địa phương; đảm bảo cải tạo, nâng cấp không gian phục vụ chạy tàu và nâng cao hiệu quả tài chính.
Dự kiến Vingroup và VNR sẽ có văn bản báo cáo chính thức về hình thức hợp tác gửi Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 30/7 tới.
"Vingroup khẳng định sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm hoàn thành đề án chi tiết để triển khai các dự án trên. Bằng tiềm lực dồi dào, kinh nghiệm quản lý của đội ngũ chuyên gia đầu ngành, Vingroup mong muốn đóng góp nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt Việt Nam," Tổng giám đốc Vingroup cam kết.
Liên quan đến việc Vingroup đề nghị nghiên cứu khu vực ga Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn theo hình thức đầu tư BT, thuê sử dụng các nhà ga trên mạng lưới đường sắt quốc gia, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc VNR cho biết, Tổng công ty hoan nghênh và mong muốn Tập đoàn này là đối tác hợp tác kinh doanh chiến lược trong việc khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư và giao cho VNR quản lý, khai thác có hiệu quả, phù hợp với mục đích và nhu cầu của hai bên, giảm áp lực đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
"VNR sẽ tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với Vingroup để nghiên cứu xây dựng đề án hợp tác tổng thể đối với các ga trên. Toàn bộ phần diện tích không phục vụ chạy tàu của các ga này được đầu tư cải tạo, mở rộng xây mới để khai thác kinh doanh thương mại và dịch vụ theo quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với phần diện tích phục vụ chạy tàu và phục vụ hành khách, sau khi cải tạo và nâng cấp, Tập đoàn Vingroup sẽ tiến hành bàn giao lại cho VNR khai thác và kinh doanh,” ông Vũ Tá Tùng nói.
Theo vị Tổng giám đốc ngành đường sắt, phương án kinh doanh của phần diện tích còn lại sẽ thống nhất cơ chế sau khi được phê duyệt thiết kế quy hoạch cụ thể và thẩm định tổng mức đầu tư vào dự án, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Thời gian nghiên cứu, xây dựng đề án là 6 tháng kể từ tháng Bảy này./.
Nguồn:TTXVN/Vietnam+