menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 22/2/2022

09:48 22/02/2022

Dù chịu ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết khiến năng suất giảm nhưng bù lại giá mía đầu mùa đang ở mức cao, đem lại niềm vui và phấn khởi cho nông dân.
 
Năng suất có giảm so với niên vụ trước do năm 2021 xảy ra hạn hán và mưa lũ nhưng giá mía năm nay cao. Hiện mía được mua hơn 1.000.000 đồng/tấn. Việc tiêu thụ mía cũng thuận lợi khi nông dân đều được ký kết bao tiêu sản phẩm với các nhà máy sản xuất mía đường. Xe của nhà máy vào tận ruộng để vận chuyển mía nên người dân rất phấn khởi.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 12.265 ha tập trung chủ yếu ở các huyện MĐrắk, Ea Kar, Ea Súp... Trước những lo lắng khi chi phí sản xuất tăng cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong trồng, chăm sóc để nâng cao năng suất cây mía.
Đồng thời, sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả theo hướng giảm các loại phân vô cơ, tăng các loại phân hữu cơ, sử dụng phân đúng thời điểm của từng loại cây trồng để vừa đạt hiệu quả vừa tiết kiệm từ đó giảm chi phí sản xuất.
Giá nông sản chủ lực vùng Đồng Tháp Mười tăng trở lại sau Tết
Từ đầu năm đến nay, nông dân vùng Đồng Tháp Mười đã thu hoạch đầu vụ được gần 40.000 tấn dứa, 3.800 tấn khoai mỡ, trên 4.800 tấn trái cây các loại; trong đó, có trên 2.500 tấn thanh long ruột đỏ, còn lại là chanh, mít, trái cây khác.
Đáng mừng là thời điểm sau Tết, khi địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, giá nhiều loại nông sản chủ lực vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước) đã tăng mạnh trở lại. Nông dân phấn khởi, tập trung chăm sóc để giành những vụ mùa bội thu, bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh bùng phát lần thứ tư trong năm vừa qua.
Những ngày sau Tết Nguyên đán 2022, giá dứa có thời điểm thương lái thu mua từ 8.500 - 9.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, khoai mỡ gần 20.000 đồng/kg, mít Thái cũng dao động trong khoảng từ 13.000 -15.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá nông sản đều tăng gấp 2 - 3 lần so với khi dịch bùng phát và địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống COVID-19 theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021 vừa qua. Theo nhận định chung, các mặt hàng nông sản chủ lực vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang) tăng giá trở lại cho thấy các hoạt động sản xuất, giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa đang dần trở lại trạng thái bình thường mới, góp phần ổn định sản xuất và đời sống, an sinh xã hội cho người dân.
Đồng thời, các giải pháp kích cầu sản xuất, kích cầu tiêu dùng của địa phương cũng phát huy hiệu quả trong đời sống, nhân dân an tâm và tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khôi phục kinh tế - xã hội khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Theo đó, việc đa dạng hóa thị trường cho nông sản nói chung, quan tâm phát huy thị trường nội địa cùng vai trò các kênh tiêu thụ khác song song với đẩy mạnh xuất khầu nông sản theo đường chính ngạch.... cũng như chú trọng chế biến, sơ chế nâng cao giá trị nông sản hàng hóa chủ lực địa phương.
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, năm 2022 và các năm tiếp theo, địa phương chú trọng tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất – tiêu thụ trên nông sản chủ lực gắn với các giải pháp quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong khuôn khổ các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm đảm bảo đầu ra nông sản, ổn định giá tiêu thụ, không để xảy ra tình trạng trúng mùa – mất giá và nông dân hưởng lợi.
Cam cuối vụ ở Hà Giang giá từ 13.000 - 15.000 đồng/kg
Toàn tỉnh Hà Giang có hơn 7.000ha cam các loại, tổng sản lượng gần 80.000 tấn. Năm nay cam Hà Giang khá được giá, đầu vụ đạt 6.000 đến 7.000 đồng/kg, đến cuối vụ giá cam 12.000 đến 15.000 đồng/kg, cá biệt có những vườn cam đạt 22.000 đồng/kg. Hiện tỉnh Hà Giang còn khoảng hơn 16.000 tấn cam cuối vụ.
Bên cạnh việc tiêu thụ thông qua thương lái, vụ cam năm nay tỉnh Hà Giang cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ; tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Kể từ đầu vụ cam đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã tiêu thụ được 120 tấn cam vàng trên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Posmart, Sendo… với giá bán dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg tăng từ 5.000 đến 7.000 đồng so với niên vụ trước.
Vụ cam năm nay, huyện Bắc Quang đạt trên 13.600 tấn cam vàng, hiện các nhà vườn đã bán được trên 12.000 tấn qua các hình thức: Bán cho Hội Nông dân các tỉnh, thành, bán trên các sàn giao dịch điện tử, các siêu thị và người trồng cam bán trực tiếp. Riêng đối với cam sành, các tỉnh, thành, các siêu thị CopMart, BigC, Sendo, Voso, FPT... đã tiếp nhận sản phẩm. Sản lượng vụ cam sành năm nay của huyện đạt khoảng 26.000 tấn và đã tiêu thụ được khoảng 20.000 tấn.
Hiện nay, nhiều diện tích cam ở Hà Giang đang trong giai đoạn cắt tỉa, chăm sóc bón phân chuẩn bị ra lộc, ra hoa vụ mới. Ngành NN-PTNT tỉnh Hà Giang khuyến cáo người dân không nên vì muốn cam sau Tết được giá mà để lại quá nhiều diện tích sẽ ảnh hưởng đến năng suất vụ sau của cây cam.
 

Nguồn:VITIC/TTXVN/Baonongnghiep