menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 5/1/2019

16:14 05/01/2019

Vinanet - Năm 2019 xuất khẩu cà phê, chè sẽ gặp khó khăn, cá tra có thể sẽ dư cung.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2019 đặt kỉ lục mới 43 tỉ USD

Tại Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt ngưỡng kỉ lục trên 40 tỉ USD, tăng 9,6% so với năm 2017. Thặng dư thương mại đạt 8,72 tỉ USD.

Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 19,51 tỉ USD, tăng 1,4%. Thuỷ sản ước đạt trên 9 tỉ USD, tăng 8,5%. Đồ gỗ và lâm sản ước đạt 9,34 tỉ USD, tăng 15,7% so với năm 2017.

Xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm tiếp tục gặp khó khăn

Tại Hội nghị tổng kết năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, cho hay năm 2018 diện tích cà phê đạt khoảng 688.400 ha, tăng 10.800 ha so với năm 2017. Sản lượng cà phê nhân đạt gần 1,62 triệu tấn, tăng 49.000 tấn - đây là mức sản lượng cao nhất từ trước đến nay. VICOFA thông tin thêm vẫn còn 100.000 ha nữa đang cần được tái canh. Trong năm 2019, mục tiêu sản lượng cà phê nhân đạt 1,67 triệu tấn, tăng 52.400 tấn so với năm 2018.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phan Xuân Thắng, Phó Chủ tịch VICOFA, sản lượng cà phê năm nay có thể giảm tới 20% xuống còn khoảng 1,2 triệu tấn. Nguyên nhân là niên vụ 2017 - 2018, sản lượng đã đạt ngưỡng kỉ lục nên niên vụ 2018 - 2019 có thể mất mùa do đặc tính của sinh lí của cây cà phê. Bên cạnh đó, diện tích cây cà phê có thể giảm do nhiều hộ dân chuyển sang các loài cây khác như bơ, sầu riêng với lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần.

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu cà phê tháng 12/2018 đạt 160.000 tấn, trị giá 287 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 11,5% về trị giá so với tháng 11, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 1.794 USD/tấn, giảm 3,8% so với tháng 11 và giảm 10% so với tháng 12/2017. Tính chung cả năm 2018, xuất khẩu cà phê đạt 1,882 triệu tấn, trị giá 3,5 tỉ USD, tăng trên 20% về lượng nhưng chỉ tăng nhẹ 1,2% về trị giá so với năm 2017 do chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng giá. Giá xuất khẩu bình quân năm 2018 đạt 1.883 USD/tấn, giảm 15,7% so với năm 2017.

Cục xuất nhập khẩu dự báo trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê tiếp tục gặp khó khăn do giá ở thị trường thế giới vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, lượng cà phê xuất khẩu có khả năng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 do sản lượng giảm.

Xuất khẩu chè năm 2019 có thể khó khăn

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương nhận định, năm 2019, xuất khẩu chè sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do cung vượt cầu trên thị trường thế giới. Nhiều quốc gia tiếp tục mở rộng khả năng sản xuất mà không chú ý đến thực tế nguồn cung đang lớn hơn nhu cầu.

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu chè Việt Nam trong tháng 12/2018 đạt 12.000 tấn, trị giá 23 triệu USD, tăng 0,5% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung trong năm 2018, lượng chè xuất khẩu của cả nước đạt 128.000 tấn, thu về 219 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 3,4% về trị giá so với cùng kì năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là chè đen, chè xanh, chè ướp hoa và chè ô long. Đáng chú ý, tỉ trọng xuất khẩu mặt hàng chè xanh tăng lên 45,7% từ mức 39,4% trong 11 tháng năm 2017. Lượng xuất khẩu đạt 52.900 tấn, trị giá 103,5 triệu USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kì năm ngoái. Giá chè xanh xuất khẩu trung bình đạt gần 1.959 USD/tấn, tăng 4,3% so với cùng kì năm 2017.

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo trong bối cảnh nhu cầu không tăng, để phát triển ngành chè cần nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và chú ý đến chất lượng sản phẩm.

Cá tra có thể dư cung vào năm 2019

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng nhiều nông dân đang đổ xô nuôi cá giống và cá nguyên liệu, điều này có thể dẫn đến tình trạng dư cung cá nguyên liệu khi nhiều trang trại cùng bước vào mùa thu hoạch.

Theo báo cáo phân tích chiến lược năm 2019 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hiện nay, thị phần cá tra Việt Nam chiếm tới 93%. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện sinh thái thuận lợi cho việc nuôi cá tra quy mô lớn. Bên cạnh đó, công nghệ canh tác tiên tiến cho ra sản phẩm cá tra thịt trắng, là lựa chọn yêu thích của người tiêu dùng. Các nước khác như Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và Indonesia cũng đang sản xuất cá tra thịt vàng có giá trị thấp và khối lượng chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, rào cản ở thị trường Mỹ cũng đã giảm bớt. Việt Nam đã vượt qua các cuộc kiểm tra thực địa của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), bước quan trọng nhất trong quy trình đánh giá tương đương ban đầu được thiết lập bởi Cơ quan Kiểm định và An toàn Thực phẩm Mỹ (trực thuộc USDA).

Bên cạnh những thuận lợi về thị trường xuất khẩu, VDSC cũng chỉ ra một số rủi ro về nguồn cung. Theo đó, thiếu hụt cá giống và cá tra đã gây ra sự tăng vọt đáng kể về giá kể từ đầu năm 2017.

Nhiều nông dân đang đổ xô nuôi cá giống và cá nguyên liệu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng cung cá nguyên liệu dư thừa khi nhiều trang trại cùng bước vào mùa thu hoạch.

Giá cá tra nguyên liệu bán cho các nhà máy có thể lao dốc. Các trang trại có thể chịu thiệt hại lớn và ngừng thả giống cho mùa vụ tiếp theo, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong các vụ mùa tiếp theo.

Kiểm soát chặt nhập khẩu sắt, thép phế liệu

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc nhập khẩu phế liệu, trong đó có sắt, thép phế liệu làm nguyên liệu sản xuất xuất phát từ nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, trước số lượng nhập khẩu phế liệu tăng quá nhanh dẫn đến tình trạng tồn đọng tại các cảng biển, gây hệ lụy nhiều mặt, việc tăng cường công tác kiểm soát là cần thiết.

Chỉ tính riêng trong tháng 11/2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi ra khoảng 180 triệu USD để nhập khẩu 500 nghìn tấn sắt, thép phế liệu nâng tổng khối lượng mặt hàng nhập khẩu này trong 11 tháng năm 2018 lên gần 5 triệu tấn, giá trị kim ngạch 1,76 tỷ USD (tăng 17,8% về lượng và tăng 41,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017).

Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, để đáp ứng sản xuất, từ nay đến năm 2020, các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam sẽ cần nhập khẩu khoảng 19 triệu tấn sắt, thép vụn. Vì vậy, VSA cũng vừa có văn bản gửi Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, cho phép các doanh nghiệp trong ngành thép được tiếp tục nhập khẩu 1,9 triệu tấn sắt, thép phế liệu phục vụ sản xuất trong nước.

Mặc dù việc sử dụng sắt, thép phế liệu làm nguyên liệu sản xuất giúp bù đắp thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu và tiết kiệm chi phí, song theo tính toán, chỉ có khoảng 60 - 70% phế liệu cho ra sản phẩm sắt, thép còn lại là tạp phẩm được loại bỏ trong quá trình sản xuất, đưa đến hệ lụy lớn về môi trường. Hơn thế, sắt thép phế liệu ở dạng cấu kiện, như máy móc, thiết bị, linh kiện, vi mạch, tàu, thuyền, dây chuyền cũ... thì không chỉ phải thêm chi phí tháo dỡ mà còn tiềm ẩn nguy cơ lẫn nhiều tạp chất, nhất là các hóa chất, dầu thải nguy hại.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những biện pháp phòng ngừa ngay cả với lĩnh vực thiếu tài nguyên và phải nhập khẩu phế liệu phục vụ cho sản xuất. Đầu tháng 11/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BCT quy định danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gồm một số nhóm hàng, trong đó có phế liệu và mảnh vụn sắt; thỏi đúc phế liệu nấu lại từ sắt hoặc thép.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet